Ứng phó với giảm giá xuất nhập khẩu
Với việc giá xuất khẩu giảm cần được ứng phó bằng việc khai thác nguồn hàng để bù vào, giá nhập khẩu giảm thì có thể tranh thủ tăng lượng nhập khẩu để đón thời cơ khi nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước phục hồi.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu giảm 3,14%, làm xuất khẩu bị thiệt 3.773 triệu USD (tương đương với 84.000 tỷ đồng), bằng khoảng 2,8% GDP trong 9 tháng 2016. Tương tự, giá nhập khẩu giảm 7,13%, tính ra làm lợi khoảng 8.829 triệu USD (tương đương với 197.000 tỷ VND), bằng khoảng 6,5% GDP của 9 tháng 2016. Bù trừ giữa thiệt và lợi do giá xuất/nhập khẩu giảm, trong 9 tháng đầu năm, chúng ta được lợi 5.056 triệu USD (tương đương với 113.000 tỷ đồng), bằng 3,7% GDP 9 tháng 2016.
Từ số liệu của Tổng cục Thống kê, có thể tính ra số thiệt/lợi do giá xuất/nhập khẩu giảm đối với một số mặt hàng chủ yếu trong 9 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước như sau.
Theo tính toán, chỉ với 16 nhóm hàng xuất khẩu, do giá giảm đã làm kim ngạch xuất khẩu giảm 2.313 triệu USD. Nếu cộng với những mặt hàng không có đơn giá chung (thủy sản giảm 273 triệu USD, hàng rau quả giảm 99 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 62 triệu USD, thì giá xuất khẩu giảm của các mặt hàng trên làm thiệt 2.747 triệu USD.
Đối với nhập khẩu, với 18 mặt hàng do giá giảm đã làm cho kim ngạch giảm 4.730 triệu USD. Nếu cộng với những mặt hàng không có đơn giá chung, thì mức giảm còn lớn hơn.
Trước hết, do giá nhập khẩu giảm sâu hơn giá xuất khẩu, nên góp phần làm cho đất nước đã chuyển vị thế từ nhập siêu lớn trong cùng kỳ năm trước (3.639 triệu USD) sang xuất siêu trong kỳ này (2.765 triệu USD).
Cùng với các yếu tố khác, cán cân thương mại thặng dư đã góp phần làm cho cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Các yếu tố khác ở đây là lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn có quy mô khá và tăng lên (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 2 chữ số, ODA tiếp tục được giải ngân, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng thêm khoảng gần 5 tỷ USD…). Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm xuống…
Cán cân tổng thể thặng dư đã giúp dự trữ ngoại hối đạt đỉnh cao mới, góp phần cải thiện tính thanh khoản, bảo đảm an toàn tài chính của quốc gia.
Tỷ giá cũng cơ bản ổn định. Sau 9 tháng (tháng 9/2016 so với tháng 12/2015), giá USD ở Việt Nam giảm 0,99%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 5,10%; giá USD trên thế giới tăng và tăng cao ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố góp phần ổn định tâm lý.
Tỷ giá VND/USD giảm cùng với giá thế giới tính bằng USD giảm, nên giá nhập khẩu tính bằng VND giảm hoặc tăng thấp và đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần kiềm chế lạm phát, để có thể yên tâm hơn với lạm phát, tập trung hơn cho việc phục hồi tốc độ tăng trưởng.
Tỷ giá ổn định góp phần ngăn chặn cơn sốt vàng thời gian qua, kéo giá vàng tăng/giảm cùng với giá thế giới và không còn chênh lệch nhiều so với giá thế giới như một vài năm trước.
Việc giá xuất khẩu giảm cần được ứng phó bằng việc khai thác nguồn hàng để bù vào. Thực tế, lượng hàng xuất khẩu tăng khá, như cà phê tăng 39,6%, hạt tiêu tăng 33,6%, cao su tăng 15,3%, xơ sợi dệt tăng 18,6%, sắt thép tăng 33,7%… Trong khi đó, giá thế giới đang ở mức thấp, nên cần dự trữ để tránh bán sớm dễ bị hớ.
Trước tình hình giá nhập khẩu giảm, chúng ta có thể tranh thủ tăng lượng nhập khẩu để đón thời cơ khi nhu cầu đầu tư, tiêu dùng ở trong nước phục hồi. Thực tế, lượng nhập khẩu tăng khá, như lúa mì tăng 84,5%, ngô tăng 2,9%, quặng và khoáng sản khác tăng 54,1%, than đá tăng 191,5%, xăng dầu tăng 22,9%, khí đốt hóa lỏng tăng 21,7%, chất dẻo nguyên liệu tăng 18,3%, giấy các loại tăng 11,4%, xơ sợi tăng 11,1%, phế liệu sắt thép tăng 14,7%, sắt thép các loại tăng 24,2%, kim loại thường khác tăng 42,2%…
Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc kỹ để tránh cạnh tranh với thị phần sản xuất ở trong nước và tránh tồn kho cao.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt