Phát triển 5 hành lang công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, có 5 hành lang công nghiệp sẽ được phát triển gồm hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng; Hà Nội-Nội Bài-Hạ Long; Hà Nội-Việt Trì qua thành phố Vĩnh Yên; Hà Nội-Lạng Sơn và hành lang kinh tế ven biển.
Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2025 là phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh trong hội nhập, sản phẩm của vùng có chất lượng cao, thân thiện với môi trường; có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại. Ngành công nghiệp chiếm khoảng 40-42% trong cơ cấu kinh tế vùng.
Đến năm 2035, công nghiệp vùng ĐBSH phát triển với công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Ngành công nghiệp chiếm khoảng 38-40% trong cơ cấu kinh tế vùng.
Về các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 8,5-9,0%; giai đoạn 2021-2025 đạt 9,0-9,5%; giai đoạn 2026-2035 đạt 7,0-7,5%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 14,0-14,5%; giai đoạn 2021-2025 đạt 15,0-15,5%; giai đoạn 2026-2035 đạt 13,0-13,5%. Cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng trong các ngành kinh tế năm 2020 đạt 48,9%, năm 2025 đạt 49,2% và năm 2035 đạt 46,4%.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, giai đoạn đến năm 2025, Quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp vùng ĐBSH phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng vào những ngành có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh như công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, ô tô, xe máy, sản xuất dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm; tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp hóa chất, khai thác than, vật liệu xây dựng, dệt may, da giày và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; liên kết nội vùng, ngoại vùng để hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp và phân phối hàng hóa một cách đồng bộ nhằm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực như: Cơ khí chế tạo, dệt may, sản xuất ô tô ô xe máy, điện tử, tạo ra mạng lưới vệ tinh cho các công ty lớn; phát triển công nghiệp bền vững, cơ sở hạ tầng đồng bộ, chú trọng đến xây dựng các công trình bảo vệ môi trường.
Giai đoạn đến năm 2035, tập trung vào các ngành sản xuất có công nghệ và thiết bị tiên tiến, các sản phẩm của công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn cao của các nước phát triển.
Quy hoạch bố trí không gian công nghiệp theo vị trí các khu công nghiệp và các hành lang công nghiệp.
Về phát triển các khu công nghiệp, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu công nghiệp hiện có trên địa bàn các tỉnh trong vùng; hình thành có chọn lọc một số khu dựa trên các cơ sở công nghiệp đã có sẵn nhằm giải quyết tốt vấn đề bảo đảm hạ tầng cho phát triển công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp; phát triển các khu công nghiệp dọc theo các tuyến hành lang Quốc lộ 18, 5, 1; các khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, có dự trữ đất xung quang Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh và trên địa bàn các tỉnh khác trong vùng; hình thành một số khu công nghiệp gắn với trục Quốc lộ 10, đường ven biển đi qua các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình; khai thác quỹ đất phèn chua không thích hợp cho trồng lúa.
Về phát triển các hành lang công nghiệp, Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng; hành lang kinh tế Hà Nội-Nội Bài-Hạ Long; hành lang kinh tế Hà Nội-Việt Trì qua thành phố Vĩnh Yên (theo cao tốc mới); hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình- Nam Định-Ninh Bình) và hành lang kinh tế Hà Nội-Lạng Sơn (theo tuyến Quốc lộ 1).
Giải pháp thực hiện Quy hoạch bao gồm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và cải cách thủ tục hành chính; thu hút vốn đầu tư; phát triển công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường và sản phẩm; phát triển công nghiệp hỗ trợ; hợp tác liên vùng.
Kèm theo Quy hoạch này là một danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu vùng ĐBSH Hồng, bao gồm các dự án trong 7 ngành công nghiệp chủ yếu gồm cơ khí, luyện kim; sản xuất thiết bị điện, điện tử; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may-da giày; khai thác và chế biến khoáng sản.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt