Thứ Ba, 01/11/2016 8:40:03 (GMT+7)

Thỏa thuận hợp tác công-tư đầu tiên trong lĩnh vực dệt may

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các đối tác công-tư trong lĩnh vực dệt may và da giày đã thống nhất ký kết bản Thỏa thuận hợp tác công-tư (PPP). Mô hình này được đánh giá không chỉ góp phần giảm chi từ ngân sách Nhà nước mà còn tăng hiệu quả xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho hàng Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác công-tư đầu tiên trong lĩnh vực dệt may

Đại diện các cơ quan cùng ký Thỏa thuận hợp tác công-tư đầu tiên trong lĩnh vực dệt may. Ảnh: VGP/Phan Trang

Tham gia ký kết Thỏa thuận hợp tác công-tư này có đại diện các cơ quan Nhà nước Việt Nam, bao gồm: Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH); đại diện doanh nghiệp trong ngành gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), các công ty đa quốc gia đại diện bởi Công ty Marks & Spencer và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH).

Thỏa thuận này nằm trong Chương trình Vươn tới đỉnh cao (RttT).

Đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, hợp tác công-tư này nhằm cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động nguy hại tới môi trường và cải thiện năng suất người lao động bằng cách tăng cường đối thoại với người lao động. Bên cạnh đó, thông qua các sáng kiến được thử nghiệm tại nhà máy, kinh nghiệm triển khai hoạt động sản xuất dệt may và da giày của các công ty và yêu cầu của thị trường, các thành viên sẽ đóng góp và chia sẻ thông tin vào quá trình xây dựng các đề xuất chính sách, chiến lược, quy hoạch liên quan đến phát triển ngành dệt may và da giày.

Đặc biệt, một trong những mục đích mà Thỏa thuận hướng đến chính là việc đẩy mạnh hoạt động thu hút và khuyến khích đầu tư vào các dự án cải thiện hiệu suất, xây dựng cũng như vận hành các nhà máy sản xuất bền vững.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo Hợp tác công-tư do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, hợp tác công-tư nhằm mục đích tăng cường nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển của Nhà nước trong quá trình cải cách khu vực công, đồng thời là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực tư nhân tham gia cùng Nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của Chính phủ. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công hình thức hợp tác công-tư.

Chương trình RttT là một sáng kiến được thống nhất trong khuôn khổ Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (3GF). Chương trình là hoạt động tự nguyện nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại có trách nhiệm với các mặt hàng dệt may và da giày, đồng thời hướng tới phát triển ngành dệt may và da giày thông qua đẩy mạnh áp dụng các thử nghiệm toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Phan Trang - Báo điện tử Chính phủ