Sản xuất công nghiệp: Khai khoáng nhường chỗ cho chế biến, chế tạo
Ngành công nghiệp trong nước đang có xu hướng tích cực, chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng qua tăng 7,4% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do sự sụt giảm của ngành nghiệp khai khoáng (giảm 4,1%).
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có mức tăng 10,4%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước… Điều này cho thấy, ngành công nghiệp trong nước đang có xu hướng tích cực, chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, khoáng sản.
TTXVN dẫn nguồn từ Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 tháng qua chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều, có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015.
Nguyên nhân tăng trưởng chậm của sản xuất công nghiệp chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (giá dầu giảm, dẫn đến sản lượng dầu thô khai thác tiếp tục giảm và sản xuất than tăng trưởng thấp so với cùng kỳ do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ).
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp, lĩnh vực khai khoáng đang gặp khó khăn, kéo theo mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm. Nhưng đây là điều cần thiết vì Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững hơn, chế biến, chế tạo những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Số liệu xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cho thấy, kim ngạch 9 tháng qua ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm 2015. Sự sụt giảm mạnh của nhóm là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm. Trong đó, xuất khẩu dầu thô giảm 25% về lượng và 43,3% về trị giá.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu các mặt hàng trong nhóm đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, giá quặng và khoáng sản khác giảm 64,5%; giá xăng dầu các loại giảm 29,4%; giá dầu thô giảm 24,3%… Tính chung do giảm giá và lượng khiến kim ngạch của nhóm giảm đến hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ.
Trong khi đó, báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, ngành điện tiếp tục duy trì tăng trưởng khá trong 9 tháng năm 2016 (điện sản xuất tăng 11,6% so với cùng kỳ) và đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất sắt thép các loại cũng tăng trưởng từ 11 – 24% so với cùng kỳ…
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí cho rằng, nhiều ngành nghề trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đang có bước phát triển nhanh như sản xuất sắt thép, cơ khí chế tạo… Điều này cho thấy khuynh hướng phát triển bền vững là phải hướng vào các lĩnh vực chế biến sâu, phát triển khoa học công nghệ để có được nền tảng cơ khí, chế tạo mạnh hơn.
Và để giữ được khuynh hướng này phát triển bền vững, ông Long cho rằng, nhà nước cần phải có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp ở các nhóm ngành này một cách cụ thể hơn, tập trung các hỗ trợ tốt hơn về đất đai, thuế, vốn và cả công nghệ…, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu nhóm ước đạt 102,66 tỷ USD, tăng 8,5%. Công nghiệp chế biến là nhóm hàng chủ đạo, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhóm hàng này luôn duy trì được mức tăng trưởng tương đối đều, bình quân 8,5% cho từng quý.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong quá trình phát triển công nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào khai khoáng là tốt, song cũng cần tránh sự phụ thuộc về tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm vào một vài doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn như vụ việc của Samsung khi thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 được dự báo sẽ gây ra những tác động tới chỉ số xuất khẩu của kinh tế Việt Nam.
Để đảm bảo tăng trưởng về xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, dành kinh phí xây dựng thương hiệu cho các ngành, nhóm hàng cụ thể khác như: thuỷ sản, rau quả, dệt may, giày dép, vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; trong đó, Bộ sẽ tập trung xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu tới các thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển mạnh hơn công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo hộ không trái cam kết quốc tế, nhưng có tác dụng thúc đẩy phát triển các sản phẩm cơ khí trong nước.
Cùng với đó triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ban hành, kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt