Tăng cường thu hút vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam
Đến năm 2016, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã mất vị trí dẫn đầu trong đầu tư ở Việt Nam. Để hạn chế xu hướng sụt giảm vốn này, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trình độ lao động, phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đây là một nội dung trong báo cáo mới nhất của Bộ KH&ĐT đánh giá tình hình vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, nhìn từ một số đối tác trọng điểm.
Tính đến tháng 5 năm nay, đã có 114 quốc gia với khoảng 288,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, với hơn 3.050 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư của nước này lên tới 39,2 tỷ USD.
Lũy kế đến tháng 6, hình thức được các nhà đầu tư Nhật Bản ưa chuộng nhất vẫn là 100% vốn nước ngoài. Các dự án tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo với khoảng 1.526 dự án, vốn đầu tư đạt 32,8 tỷ USD, chiếm tới 82,5% tổng vốn.
Đáng chú ý, trong các năm 2013 và 2014, các DN Nhật Bản đã có sự chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ cùng với việc rút vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn vốn rút ra từ Trung Quốc năm 2015 chủ yếu được đầu tư vào Singapore, Indonesia, không đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Bộ KH&ĐT cho biết, giá trị các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang giảm dần, chủ yếu là các dự án nhỏ; đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn đang có dấu hiệu chững lại.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá, trong khoảng thời gian này, môi trường kinh doanh Việt Nam còn nhiều hạn chế, các chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính còn quan liêu, chi phí thuế cao, tồn tại tham nhũng tại nhiều dự án liên quan đến ODA, chính sách tăng lương.
Ngoài ra, một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng đầu tư của DN Nhật Bản đó là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, làm cho tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu, linh kiện chiếm 70% trong tổng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT vẫn nhận định, DN Nhật Bản có khả năng tăng đầu tư trong giai đoạn tới. Lý do khách quan là các DN Nhật phải đối mặt với chi phí lao động ngày càng tăng cao, cũng như việc giảm ưu đãi của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các DN Nhật vẫn tiếp tục chiến lược chuyển đầu tư trực tiếp hướng đến các nước ASEAN với thị trường lớn và nhân công giá rẻ như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar…
Đồng thời, về chủ quan, Việt Nam đang phát huy các ưu thế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng và đánh giá cao các ý kiến phản hồi của cộng đồng DN Nhật Bản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng ngày một tốt hơn. Khu vực đầu tư với chi phí thấp ngày càng được mở rộng quanh các trung tâm kinh tế lân cận Hà Nội, TPHCM. Việt Nam vẫn đang có giá điện hợp lý, hạ tầng cảng biển tương đối tốt, lực lượng lao động đông đảo với thị trường gần 100 triệu dân rộng mở.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt