Quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc trở thành “địa phương khởi nghiệp”
Với các chính sách thông thoáng, nguồn nhân lực, đất đai dồi dào và đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong top đầu cả nước, Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều thuận lợi để khởi nghiệp. Để kịp thời thông tin cho bạn đọc về vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Phúc có cuộc phỏng vấn đồng chí Đại Văn Giới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Xin đồng chí đánh giá kết quả bước đầu về triển khai chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh?
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Tính đến hết tháng 9 năm 2016, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh là 7.123 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 54.000 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai xây dựng Chương trình hành động của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời xác định nguyên tắc chủ đạo thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp: Tinh thần phục vụ doanh nghiệp là chính nhằm xây dựng và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực phát triển của nền kinh tế của đất nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.
Xác định khởi nghiệp là một trong những lĩnh vực đột phá quan trọng, làm giàu cho chính doanh nghiệp và đóng góp cho sự thịnh vượng của tỉnh, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trợ giúp phát triển DNNVV; các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 một cách đồng bộ như: Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính nhất là trong các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hướng tới chính quyền điện tử để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; hướng dẫn và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thuế; đào tạo trợ giúp nguồn nhân lực (với hàng trăm lớp chuyên đề về quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, các lớp đào tạo nghề, truyền nghề, xúc tiến thương mại, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu,… và các diễn đàn khởi nghiệp cho 900 sinh viên sắp tốt nghiệp của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc và giao lưu với các doanh nhân, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp để sinh viên có thể tự thành lập doanh nghiệp); hỗ trợ DNNVV nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình quản lý thông qua chương trình kích cầu đầu tư, chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (hỗ trợ thương mại điện tử, thông tin quảng bá doanh nghiệp thông qua Website “Thương mại Vĩnh Phúc” đảm bảo cung cấp nguồn thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, thông qua các hội chợ, triển lãm, phiên chợ kích cầu hàng tiêu dùng); các chính sách tín dụng hỗ trợ cho DNNVV phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vay vốn (các ngân hàng đã cho 729 DNNVV vay mới với tổng số dư nợ là 2.680 tỷ đồng; hỗ trợ cho 20 DN vay vốn với lãi suất 0% để đảm bảo giá cả ổn định khi thị trường có biến động, với tổng kinh phí 80,5 tỷ đồng; thực hiện cho 2.524 DNNVV với tổng số tiền là 11.826,5 tỷ đồng theo chính sách miễn giảm lãi tiền vay, cho vay ưu đãi, cơ cấu thời gian trả nợ); hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp (với việc xây dựng được 240 chuyên mục “Giới thiệu văn bản, hỏi đáp pháp luật” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, hướng dẫn trên 250 đơn vị nộp đơn bảo hộ và cấp hơn 140 văn bằng bảo hộ, tư vấn trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và các thủ tục thành lập doanh nghiệp, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp và nâng cao năng lực…). Tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, khảo sát nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp (tổ chức 8 hội nghị gặp mặt, trao đổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh 8 cuộc khảo sát tại 320 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp). Giúp khởi nghiệp từ nội bộ doanh nghiệp với việc quản lý doanh nghiệp được tăng cường, các quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được đầu tư bài bản hơn so với trước, … đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, một số sản phẩm của doanh nghiệp Vĩnh Phúc đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, gắn phát triển doanh nghiệp với bảo vệ môi trường.
Sự nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Điều này được ghi nhận khi nhiều năm liền Vĩnh Phúc luôn nằm top đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Vậy, đồng chí có thể cho biết, việc khuyến khích và hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp trong thời gian tới của tỉnh đang gặp những thuận lợi, khó khăn gì ?
Ngoài những cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp; coi thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, thông thoáng nhất và nâng cao năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, năng lực của các doanh nghiệp ngày một được nâng lên, đội ngũ doanh nhân của tỉnh từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đông đảo các bạn trẻ có trình độ, có ý chí, khát vọng muốn khởi nghiệp, làm giàu.
Bên cạnh những thuận lợi, chương trình khởi nghiệp còn gặp nhũng khó khăn như: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi trong khi các văn bản hướng dẫn thi hành chậm ban hành nên các doanh nghiệp khó tiếp cận. Hệ thống đầu mối hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng như việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không được triển khai đến từng địa phương nên hạn chế nguồn hỗ trợ về vốn, tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là các công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng và tạo mặt bằng sạch để giao cho các doanh nghiệp có năng lực thuê đất để sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng năng lực tài chính yếu, phương án sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên ngân hàng khó chấp nhận cho vay. Các ngân hàng có quỹ đầu tư nhưng họ tập trung cho những dự án khởi nghiệp có quy mô, còn các dự án khởi nghiệp nhỏ thì rất ít. Chính sách thuế dành cho các đơn vị khởi nghiệp hiện nay cũng chưa có. Kinh phí hỗ trợ cho các chương trình trợ giúp phát triển DNNVV còn thấp. Vĩnh Phúc là tỉnh tự cân đối ngân sách, nên việc bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước thực hiện các nghị quyết, chương trình còn khó khăn.
Để tạo đà cho khởi sự doanh nghiệp, thời gian tới cần những giải pháp gì thưa đồng chí?
Nghị quyết 19 của Chính phủ trong các năm 2014, 2015à 2016 đã đặt ra yêu cầu phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, thông thoáng nhất và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam để tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Và mới đây nhất là Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Cùng với vai trò của Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp của mỗi người dân là vô cùng quan trọng.
Vĩnh Phúc tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Chương trình hành động của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với các nhiệm vụ, giải pháp của các chính sách được tỉnh ban hành trong việc thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục xây dựng và ban hành Đề án Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020,… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xây dựng lòng tin cho doanh nhân. Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng và triển khai mô hình hỗ trợ toàn diện “ Vườn ươm doanh nghiệp” nhằm tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của nhân dân. Hướng tới xây dựng một “địa phương khởi nghiệp”.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh