Thứ Hai, 10/10/2016 11:02:42 (GMT+7)

Dệt may Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam

Bà Seema Srivastava, Giám đốc điều hành Hiệp hội Máy móc và Thiết bị dệt may Ấn Độ cho biết, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang tích cực mở rộng hợp tác, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu máy móc, thiết bị dệt may vào Việt Nam.

Dệt may Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam

Toàn cảnh họp báp. Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu tại buổi giới thiệu “Triển lãm quốc tế về máy móc, thiết bị ngành dệt may ITME Ấn Độ 2016” ngày 7/10 tại TPHCM, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, trong những năm gần đây, Ấn Độ là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong ngành dệt may và máy móc, thiết bị dệt may, ngược lại Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp Ấn Độ hướng tới.

Dự kiến, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ đạt 50-55 tỷ USD, gấp đôi so với hiện nay. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang có nhu cầu cấp thiết để cải thiện và phát triển bền vững hơn, vì vậy doanh nghiệp Ấn Độ có thể tận dụng cơ hội này tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua các hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Nhà Bè, khó khăn lớn nhất đối với ngành dệt may là thiếu nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong năm 2015, dệt may Việt Nam xuất khẩu tới 27,5 tỷ USD, tuy nhiên 70% giá trị xuất khẩu nằm trong nguyên phụ liệu. Trong khi đó, nguyên phụ liệu chúng ta cũng nhập khẩu khoảng 70%, chủ yếu từ Trung Quốc.

Ông Lân cho rằng, ngành dệt may Ấn Độ có kỹ thuật, công nghệ và nguồn lực mạnh, chính vì vậy, doanh nghiệp Ấn Độ liên kết hợp tác với các nhà máy dệt, sợi Việt Nam nhằm tạo ra chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi, mang lại lợi ích cho 2 phía và giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên phụ liệu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng bên cạnh việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hiện nay, Việt Nam cũng đang thiếu các nhà thiết kế được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, do đó, việc hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ còn mở ra cơ hội giúp ngành thiết kế Việt Nam nâng tầm trên bản đồ thế giới, từ đó tạo ra những sản phẩm may mặc mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo bà Seema Srivastava, ngành dệt may Ấn Độ chiếm 20% sản lượng công nghiệp và 15% kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Ngành dệt may Ấn Độ không chỉ cạnh tranh nhờ ưu điểm về chất lượng mà còn về giá cả. Đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh về lĩnh vực máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu của ngành dệt may.

Ông Sanjiv Lathia, đại diện Ban Tổ chức Triển lãm cho biết, tham gia Triển lãm ITME, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội gặp gỡ nhà nhập khẩu, nhà phân phối; tìm kiếm đối tác đầu tư, phát triển thị trường…

Ngoài ra, Triển lãm này có sự tham dự của 77 hiệp hội công nghiệp quốc tế, rất phù hợp với nhu cầu giao thương, mở rộng thị trường của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Theo Lê Anh - Báo điện tử Chính phủ