Thứ Hai, 10/10/2016 10:32:02 (GMT+7)

Công nghiệp hỗ trợ với nỗi lo thiếu nhân sự trình độ cao

Đầu tư mở rộng sản xuất, các công nghệ và thiết bị, máy móc hiện đại là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Từ lâu, bài toán về vốn đầu tư luôn được xem là rào cản lớn nhất, bởi phần lớn trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế thì hiện nay, thiếu vốn đầu tư không phải là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp.

Công nghiệp hỗ trợ với nỗi lo thiếu nhân sự trình độ cao

Bài toán về vốn đầu tư luôn được xem là rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Trần Anh Việt, Giám đốc Công ty TAV cho biết, doanh nghiệp này có hơn chục năm kinh nghiệm trong thiết kế và sản xuất đồ nội thất. Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, mới đây, doanh nghiệp đã chi ra hơn 4 tỷ đồng để đầu tư máy đột, uốn kim loại hiện đại. “Các sản phẩm làm ra có mẫu mã đẹp, tuổi thọ cao hơn sản phẩm cùng loại và đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng trong văn phòng, tiện lợi trong lắp đặt, di chuyển”, ông Việt nhận xét về hiệu quả khi đầu tư máy móc mới.

Tuy nhiên, vấn đề khiến doanh nghiệp “đau đầu” hơn cả là đủ nhân lực có thể sử dụng thiết bị hiện đại, bởi doanh nghiệp của ông Việt mới chỉ khai thác được 70% công năng của số máy móc đã đầu tư.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cơ khí Ninh Bình cho biết, gần đây, doanh nghiệp nhận được một đơn hàng sản xuất con lăn cho băng chuyền vận chuyển xi măng có chiều dài hàng chục cây số. Đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại là yêu cầu bắt buộc để làm ra sản phẩm cho đơn hàng này, nhưng doanh nghiệp này lo lắng khi họ có rất ít kỹ sư trực tiếp vận hành các thiết bị hiện đại đó.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Quang Hà, đại diện Công ty Hà Sơn cho biết, gần đây có không ít khách hàng của công ty là các doanh nghiệp trong ngành cơ khí đã gia tăng việc đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại của các nhà sản xuất danh tiếng như Amano, Amada, ShinMaywa, Hisaka… do Sơn Hà phân phối tại thị trường Việt Nam. Theo ông Hà, việc đầu tư này đã giúp các doanh nghiệp cho ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao.

Minh chứng cho điều này, ông Hà đã kể lại câu chuyện về một doanh nghiệp nhỏ, ít tiếng tăm bất ngờ trúng thầu đơn hàng khá lớn về cung cấp tủ điện hạ áp cho một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “tên tuổi” ở Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ nói trên giành phần thắng vì có trong tay chứng nhận của Tập đoàn Siemens (Đức) về sản xuất, cung ứng sản phẩm tủ điện trung, hạ áp tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có được chứng nhận này, doanh nghiệp nói trên đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, với thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân sự có trình độ cao để có thể làm chủ công nghệ sản xuất hiện đại của Hãng Siemens.

Theo ông Kikuchi Yukihito, Tổng giám đốc Amada Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đang diễn ra làn sóng đổi mới trong ngành gia công kim loại. Để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, Tập đoàn Amada đã đưa vào sử dụng Trung tâm kỹ thuật ASEAN tại Thái Lan với tổng vốn đầu tư gần 12 triệu USD nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) tiếp cận công nghệ – thiết bị mới, thực hiện các hoạt động R&D trong ngành cơ khí. Cùng với đó, Amada cam kết không ngừng nghiên cứu kỹ thuật gia công, nghiên cứu vật liệu, phát triển các giải pháp kỹ thuật số theo xu hướng mới, với yêu cầu cao của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong sản xuất.

Theo Hồng Sơn - Báo Đầu tư