Thứ Hai, 10/10/2016 9:44:00 (GMT+7)

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng trưởng khả quan

Tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay có xu hướng cao lên qua các quý, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,53%) và tiến độ còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra cho cả năm (6,7%). Trong khi đó, tốc độ tăng tích lũy tài sản lên đến 10,12%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP; tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng là 6,97%, đóng góp tới 4,96 điểm phần trăm. Tính chung 2 phần này đã đóng góp tới 7,83 điểm phần trăm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng trưởng khả quan

9 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt kết quả khả quan

Do hàng hóa xuất siêu 2,765 tỷ USD, dịch vụ nhập siêu 3,4 tỷ USD, nên đã làm giảm 1,9 điểm phần trăm tốc độ tăng GDP. Điều đó chứng tỏ, tổng cầu đã tăng lên và đây là một trong những yếu tố góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước (tăng 3,14% so với 2,27% của 9 tháng năm 2014 và so với 0,58% của 9 tháng năm 2015).

Nhưng việc CPI tăng cao hơn cùng kỳ còn có một phần quan trọng do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục đã tăng khá cao do sự điều chỉnh của Nhà nước. Còn về quy mô tuyệt đối, tổng cung vẫn lớn hơn tổng cầu, mặc dù tốc độ tăng tổng cầu cao hơn tốc độ tăng của tổng cung. Ngoài xuất siêu hàng hóa, tổng cung lớn hơn tổng cầu còn thể hiện ở việc tín dụng tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng tiền gửi (tăng tương ứng 10,46% và 12,02% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt kết quả khả quan, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá thì vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP ở mức 33,1%, làm cho hệ số giữa tỷ lệ này so với tốc độ tăng GDP lên đến 5,6 lần, cao hơn nhiều so với con số tương ứng của cả năm 2015 (4,9 lần). Điều đó chứng tỏ hiệu quả đầu tư sụt giảm so với năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã có sự cải thiện đáng kể. Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ vị thế nhập siêu trong cùng kỳ năm trước sang xuất siêu trong 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể, về hàng hóa, xuất khẩu đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7%; nhập khẩu 125,4 tỷ USD, chỉ tăng 1,3%; xuất siêu 2,765 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,64 tỷ USD). Về dịch vụ, xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, tăng 12,8%; nhập khẩu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 3,4%; nhập siêu 3,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực tiền tệ – tín dụng, mặc dù tín dụng tăng ngay từ đầu năm và 9 tháng đầu năm nay tăng 10,46%, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng tiền gửi (12,02%). Điều đó chứng tỏ, người dân vẫn có tâm lý “tích cốc phòng cơ”. Trong khi đó, nợ xấu ngân hàng không giảm về thực chất, chủ yếu do lĩnh vực bất động sản (chiếm tới 70 – 80% tổng nợ xấu) vừa ấm lên đã e ngại sốt nóng, nên giảm cấp tín dụng. Chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới đã giảm. Tốc độ tăng tỷ giá sau 9 tháng vẫn mang dấu âm (-0,9%), dù tính bình quân 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng khá (2,96% so với 2,47%), nhưng đã chậm lại so với nhiều tháng trước trong năm.

Về ngân sách, kết quả 9 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả tích cực. So với dự toán cả năm, tổng thu đạt 65,6%, trong khi tổng chi đạt 64,4%. Trong điều kiện thu ngân sách từ dầu thô đạt rất thấp (52% dự toán năm), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất/nhập khẩu thấp (56,6%), hiệu quả đầu tư thấp, thì việc đạt được dự toán như trên là một cố gắng lớn.

Tỷ lệ thu nội địa so với dự toán năm cũng đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ bội chi so với dự toán năm (44,6%), thấp hơn tỷ lệ tương ứng của tổng thu, tổng chi. Tỷ lệ bội chi/GDP 9 tháng đạt khoảng 4%, thấp hơn tỷ lệ bội chi/GDP đề ra cho cả năm (4,95%); bảo đảm trả nợ đúng hạn… Tuy nhiên, về ngân sách, hiện còn một số điểm cần cảnh báo, như tỷ lệ thực hiện dự toán còn thấp, tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài so với GDP còn cao…

Theo Minh Nhung - Báo Đầu tư