Thứ Hai, 10/10/2016 7:45:11 (GMT+7)

Phát triển mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực môi trường

Trong những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, qua đó, đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia hoạt động dịch vụ môi trường, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Phát triển mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực môi trường

Công ty Century Vina (thị trấn Hương Canh Bình Xuyên) đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng khu tập trung rác, lò đốt rác bán tự động BM-SH1000 công nghệ Việt Nam xử lý rác với công suất 25-30 tấn/ngày. Ảnh Thế Hùng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11 KCN được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư, thu hút được 183 dự án đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển các ngành kinh tế nói chung cũng đang làm suy thoái môi trường với mức độ ô nhiễm về bụi, tiếng và nồng độ các chất khí độc hại ngày càng cao. Ở khu vực nông thôn, hoạt động chăn nuôi phát triển mạnh, lượng nước thải và chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi tăng nhanh nhưng chưa có biện pháp xử lý hợp lý nên đã gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Theo thống kê sơ bộ của Sở TN&MT tỉnh, lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay là khoảng 585 tấn/ ngày, trong đó mới thu gom, xử lý được trên 403 tấn/ngày. Ô nhiễm môi trường ở cả khu vực đô thị và nông thôn đều đang có chiều hướng gia tăng về quy mô và mức độ, trong khi đó, năng lực xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đã và đang làm ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, sản xuất của người dân ở nhiều địa phương.

Trước thực trạng đó, để huy động tất cả các nguồn lực xã hội, tham gia bảo vệ môi trường. những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi các tổ chức, cá nhân và triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng cường công tác xử lý chất thải, rác thải, bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, tỉnh tập trung thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Theo đó, tỉnh có các chính sách ưu đãi về: Đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình BVMT cũng như có chính sách trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động BVMT,… Nhờ đó, đến nay, mạng lưới doanh nghiệp làm dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, tăng về số lượng và mở rộng quy mô hoạt động. Cụ thể, tại khu vực nông thôn, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 29/11/2011 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, tạo cơ chế xã hội hoá cho công tác thu gom rác thải ở khu vực nông thôn. Đến nay, sau 4 năm triển khai Nghị quyết số 27, toàn tỉnh có 120/125 xã, thị trấn thành lập Hợp tác xã môi trường hoặc Tổ vệ sinh môi trường, với tần suất thu gom rác thải trung bình từ 1 – 3 lần/tuần; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt 70%; có 105/112 xã có bãi tập kết và xử lý rác thải tập trung. Tại khu vực thành thị, hiện nay, có 2 công ty cổ phần có vốn của Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn là Công ty cổ phần Môi trường đô thị Vĩnh Yên và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Phúc Yên; thực hiện thu gom với tần suất 2 lần/ngày. Tại các KCN, ngoài việc tự đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường, một số doanh nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp dịch vụ môi trường như: Trung tâm tái chế và xử lý chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Xanh tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh, có công suất 20.000 tấn/ năm; Công ty Century Vina (thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên) tham gia xử lý rác công suất 25-30 tấn/ngày; Công ty TNHH Song Tinh tại phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên trung bình mỗi ngày thu gom 75 tấn rác với tần suất thu gom 2 -3 lần/ngày ở các phường, và 2 – 3 ngày/lần ở các xã; Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư (Đồng Văn, Yên Lạc),…để thực hiện thu gom, xử lý chất thải, tái chế chất thải.

Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Xanh (Phường Phúc Thắng, Thị xã Phúc Yên) được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp. Trong đó, trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải (đặt tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên) là dự án đầu tiên của công ty, đã đi vào hoạt động từ năm 2011 với các trang thiết bị máy móc đồng bộ gồm: 2 lò đốt chất thải công suất mỗi lò 1000 kg/h; hệ thống xử lý nước thải công suất 5m3/h thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang, thiết bị tiền xử lý dung môi, dầu thải, linh kiện điện tử, xúc rửa bao bì thùng phuy, xe vận chuyển đạt chuẩn và các trang thiết bị phụ trợ khác, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, cấp phép với hầu hết các trang thiết bị đều do Việt Nam sản xuất dựa trên công nghệ các nước Châu Âu. Bà Phùng Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm kiêm Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Xanh cho biết: “Trong quá trình hoạt động, công ty cũng như trung tâm luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp các ngành tỉnh. Từ diện tích xây dựng ban đầu là 9.000 m2, đến nay, tỉnh đã giao cho công ty 58.000 m2 đất để xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục công trình của nhà máy, đáp ứng được yêu cầu về xử lý chất thải cho tỉnh và các vùng lân cận. Quá trình đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, công ty được sử dụng một phần vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, dự án được hưởng một số ưu đãi về tiền thuê đất, hưởng ưu đãi về thuế thu nhập… Đây là sự quan tâm thiết thực của các cấp các ngành trong tỉnh đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh nhà”. Được biết, với năng lực xử lý được cấp phép gần 30.000 tấn chất thải/năm, công ty đã góp phần xử lý khối lượng rác thải không nhỏ cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các vùng lân cận: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa…Hiện nay, công ty đang cung cấp dịch vụ xử lý rác thải cho hơn 100 nhà máy, trong đó có 1 số công ty lớn đóng trên địa bàn tỉnh như: Honda, Toyota, Piagio… , tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động tại địa phương với mức lương bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy rằng, các hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ môi trường đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, số lượng các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường còn hạn chế, năng lực xử lý chưa đủ đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao về khối lượng và chất lượng dịch vụ thì việc định hướng chiến lược phát triển dịch vụ môi trường sẽ tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường một cách hiệu quả nhất. Quyết định số 1463/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường. Đề án đã tạo được hành lang pháp lý vững chắc để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực môi trường, một trong những lĩnh vực được coi là khó khăn. Quyết định là cơ sở để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đồng thời sẽ tăng năng lực xử lý chất thải, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, rác thải sinh hoạt vẫn là vấn đề nóng, ngoài đầu tư công ra, rất ít các công ty quan tâm đến xử lý rác sinh hoạt. Nguyên nhân là do, ngoài cần nguồn vốn đầu tư lớn, xử lý rác sinh hoạt còn đòi hỏi phải có quỹ đất rộng và công nghệ cao, trong khi đó, khả năng thu hồi vốn thấp. Vì vậy, với việc mới đây, tỉnh ban hành “Hướng dẫn một số nội dung quy định về một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, trong đó hướng dẫn chi tiết cụ thể về đối tượng được hưởng ưu đãi, các chính sách ưu đãi đối với các dự án xử lý rác sinh hoạt. Đây sẽ là tiền đề thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực này, đẩy mạnh công tác xã hội hóa môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện thực chính sách xã hội hóa môi trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp cùng tham gia các dịch vụ bảo vệ môi trường, tỉnh cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng hơn để doanh nghiệp sớm tiếp cận các nguồn vốn, cơ chế ưu đãi. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường.

Theo Lưu Nhung - Báo Vĩnh Phúc