Thứ Ba, 13/09/2016 14:44:07 (GMT+7)

Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may

Năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 29 tỷ USD, thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu của ngành mới đạt 15,5 tỷ USD, bằng hơn 53% kế hoạch năm. Nếu các doanh nghiệp (DN) không triển khai quyết liệt các giải pháp như tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa,… thì mục tiêu đề ra sẽ khó thành hiện thực.

Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may

Đối diện sức ép cạnh tranh

Ngay sau khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển và để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2016 khoảng 31 tỷ USD là điều không quá khó. Tuy nhiên, qua tám tháng đầu năm, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại đối mặt với những khó khăn, thách thức khi các DN đang lao đao vì thiếu đơn hàng. Theo phản ánh của các DN, ngay từ đầu năm nay, đơn hàng xuất khẩu đã có chiều hướng chững lại, thậm chí, gần đây số lượng hợp đồng còn sụt giảm, khiến các DN hoạt động ngày càng khó khăn. Nếu các DN không quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thì chắc chắn mục tiêu đặt ra sẽ rất khó đạt được. Nhìn nhận vấn đề trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm khẳng định, mục tiêu ban đầu của ngành là 31 tỷ USD nhưng do khó khăn về thị trường cùng với xu hướng tiêu dùng thế giới giảm nên Bộ Công thương đã điều chỉnh xuống còn 29 tỷ USD, thế nhưng ngay cả mục tiêu này cũng rất khó hoàn thành bởi đến nay mới chỉ thực hiện được hơn 53% kế hoạch đề ra. Phân tích nguyên nhân, vị Phó Chủ tịch Vitas cho biết, sức ép cạnh tranh với một số nước trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia, Băng-la-đét,… ngày càng lớn. Đặc biệt là về các dòng thuế, cơ chế, chính sách mà những nước này hỗ trợ DN nhằm thu hút các đơn hàng. Tiếp đến, do một số nước phá giá đồng tiền đã làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Ngoài ra, các cơ chế chính sách của chúng ta không có tính ổn định, công tác vận chuyển, kho bãi,… còn nhiều trở ngại, hạn chế đã tạo sức cản làm giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam so với các đối thủ trong khu vực và thế giới.

Với bề dày thành tích, với 13 DN trực thuộc, hơn 14 nghìn lao động chuyên làm hàng xuất khẩu, chưa bao giờ Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) rơi vào cảnh “ăn đong” như hiện nay. Chủ tịch HĐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương tâm sự, những năm trước, đến thời điểm này công ty đã có hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho người lao động đến hết năm, nhưng năm nay, làm tháng nào hay tháng đó, thậm chí DN còn cạnh tranh, giành giật từng hợp đồng. Cái “bó” của DN làm hàng xuất khẩu là ở chỗ, khi giá xuống kéo theo sự sụt giảm đơn hàng. Có nhiều đơn hàng bị giảm 20% về giá, nếu đồng ý thì đối tác mới làm, còn nếu không họ sẵn sàng chuyển đơn hàng sang các nước khác. “Điều mà các DN lo lắng nhất là khi Ấn Độ (nước có 1,2 tỷ dân) hướng tới làm hàng dệt may xuất khẩu, chắc chắn sẽ tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với Việt Nam. Bởi họ làm theo chuỗi, cung cấp đầy đủ các nguồn nguyên phụ liệu (NPL) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ”, Chủ tịch HĐQT Hugaco nhấn mạnh.

Chung quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, các DN dệt may hiện chủ yếu làm gia công nên thiệt thòi đủ thứ. Không chỉ không kiểm soát được về giá, bị động trong việc đối tác chỉ định nguồn NPL mà ngay cả muốn có hợp đồng DN cũng phải tham gia đấu thầu. Bởi, các đối tác không chỉ chào hàng ở riêng Việt Nam. Muốn trúng thầu phải giảm giá và muốn cạnh tranh được phải tăng năng suất lao động. Trong khi các chi phí khác lại tăng khiến DN đã khó khăn lại càng khốn khó hơn. Do đó, DN không còn cách nào khác ngoài cách tiết giảm tối đa các chi phí để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời hy vọng nguồn NPL phát triển, đến lúc đó chúng ta mới có thể nghĩ tới làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) được. Còn không, mãi cũng chỉ làm thuê, với lợi nhuận “nhỏ giọt” cùng với việc phải vật lộn, chiến đấu để lấy đơn hàng từ những đối tác có trình độ, tay nghề tương tự, thậm chí còn thấp hơn Việt Nam rất nhiều.

Là một trong những DN hàng đầu Việt Nam trong xuất khẩu hàng sơ-mi sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu nhưng những tháng đầu năm nay, Tổng Công ty May 10 cũng rơi vào tình trạng bị giảm cả số lượng đơn hàng và giá thành phẩm. Đồng thời, sáu tháng đầu năm, Tổng công ty sản xuất gần 10 triệu sản phẩm các loại, tổng giá trị xuất khẩu đạt 50,6 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015 nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra là tăng 20% về lượng và giá trị. Đánh giá về tình hình hoạt động của DN, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, DN dệt may hiện nay gặp không ít khó khăn do thị trường châu Âu đã sụt giảm hai, ba năm nay, còn thị trường Hoa Kỳ cũng đang trong quá trình sụt giảm khiến số lượng đơn hàng của đơn vị bị giảm 20% và giảm 12% về giá. Do đó, những tháng cuối năm sẽ cực kỳ khó khăn đối với các DN trong việc cạnh tranh với những đối thủ như Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Băng-la-đét,… Nếu các DN không lựa chọn giải pháp giảm giá để nhận đơn hàng thì các đối tác sẵn sàng lựa chọn nhà sản xuất khác có lợi thế hơn.

Lấp đầy “lỗ hổng”

Trong tám tháng qua, hàng loạt các khách hàng quen thuộc của DN dệt may Việt Nam đã chủ động chuyển đơn hàng sang Lào và Mi-an-ma vì sản phẩm sản xuất tại các nước này được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và châu Âu. Ngoài ra, thị trường Cam-pu-chia cũng nằm trong tầm ngắm của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên sản xuất dệt may. Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia không nằm trong TPP như Trung Quốc, Ấn Độ, Băng-la-đét, Pa-ki-xtan cũng đã điều chỉnh chính sách ưu đãi cho ngành dệt may của họ để ứng phó với TPP. Trong những tháng cuối năm, nếu các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, rõ ràng sẽ còn gây khó khăn hơn nữa cho việc đặt hàng tại Việt Nam, khi mà TPP phải ít nhất hai năm nữa mới có hiệu lực. Như vậy, trong hai năm tới, với các chính sách giữ thị trường, giữ khách hàng của các quốc gia cạnh tranh, đơn hàng đến với DN dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng ít đi, lúc đó vấn đề đặt ra làm thế nào để ngành dệt may tăng trưởng ổn định và trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi dệt may toàn cầu như mục tiêu chúng ta đã đặt ra.

Đề cập vấn đề nêu trên, Giám đốc Nhân sự – Hành chính, Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh khẳng định, từ trước đến nay các DN nội địa mới chỉ dừng ở việc may gia công thuê cho các đối tác nước ngoài. Trong đó, từ mẫu thiết kế, vải và các NPL khác đều do họ cung cấp khiến cho giá trị gia tăng không cao, chỉ hưởng lợi nhuận cắt may thuê thuần túy. Muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay, không còn cách nào khác là chúng ta phải đầu tư phát triển nền công nghiệp hỗ trợ nhằm cung ứng nguồn NPL làm hàng xuất khẩu. Đồng thời, các DN cũng phải đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề, chuyên sâu; nâng cao năng lực quản trị DN cũng như tiết giảm các khoản chi phí, các thao tác dôi dư,… để nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ. Mặt khác, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển ổn định, hỗ trợ DN phát triển, tránh sự đối xử, phân biệt giữa các DN trong nước với các doanh nghiệp FDI như hiện nay.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, đặc thù của ngành dệt may là ngành cung ứng theo chuỗi (nguyên liệu – sản phẩm – vận chuyển – phân phối), muốn thực hiện chuỗi cung ứng thành công, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, phải thành lập được những cụm công nghiệp để tập trung sản xuất NPL, cũng như giải quyết nút thắt về xử lý nước thải của khâu nhuộm hay các loại NPL liên quan đến môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư trong cụm công nghiệp NPL như ưu đãi về thuế đất, thuế VAT, thuế thu nhập DN, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư…, đồng thời, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị. Ngoài ra, cần lập quỹ hỗ trợ, ưu đãi tín dụng trong các trường hợp DN thực hiện phương thức FOB cho các đơn hàng có tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên, DN sản xuất thử nghiệm phụ tùng, vật tư thay thế ngoại nhập (thuốc nhuộm, tẩy) hay thiết bị trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cũng theo lãnh đạo Vinatex, để tăng sức cạnh tranh của DN so với các đối thủ, hiện nay Tập đoàn đang đẩy mạnh liên kết các đơn vị thành viên theo chuỗi nhằm cung ứng dịch vụ trọn gói cho khách hàng; đồng thời tập trung mạnh cho việc đầu tư vào các khâu yếu, nút thắt của dệt may Việt Nam như dệt – nhuộm hoàn tất,… Hy vọng rằng, bên cạnh sự chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành dệt may phát triển từ phía các DN, sẽ có sự vào cuộc tích cực của Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách ổn định, đặc biệt là chiến lược quy hoạch phát triển ngành dệt may trong trung hạn và dài hạn (2030-2040) để tạo điều kiện giúp các DN yên tâm đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Theo Báo Vĩnh Phúc