Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế
Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng; ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành; khoảng 35 – 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; khoảng 50 – 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng;…
Nhà nước tạo lập khung khổ hành lang pháp lý thông thoáng
Quyết định nêu rõ, nguyên tắc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng gồm: Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế được gắn liền với với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tôn trọng nguyên tắc thị trường, bình đẳng, thuận lợi, tạo cơ hội cho cả phía tổ chức cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Nhà nước tạo lập khung khổ hành lang pháp lý thông thoáng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng thiết kế và phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, từ đó tạo điều kiện người dân và doanh nghiệp, nhất là các đối tượng chính sách tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách bền vững; khuyến khích sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa và phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp.
Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích và sự phát triển bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng; nâng cao kiến thức tài chính cho người dân; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội vào quá trình nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở nông thôn với tư cách là đối tác của tổ chức tín dụng.
Triển khai đồng bộ 7 nhóm giải pháp
Đề án sẽ triển khai thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế:
1- Hoàn thiện thể chế chính sách, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, lành mạnh về tài chính trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng; 2- Mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, có lộ trình hợp lý phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô; 3- Chú trọng ứng dụng công nghệ tin học và công nghệ viễn thông để phát triển sản phẩm dịch vụ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; 4- Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; 5- Nâng cao chất lượng thông tin về khách hàng, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận thông tin đầy đủ để nâng cao chất lượng tín dụng; 6- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ngành ngân hàng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tăng cường kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; 7- Các giải pháp hỗ trợ.
Trong đó, các giải pháp hỗ trợ như đẩy mạnh thực hiện các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn/bản, xã, huyện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo, Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 về đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 nhằm cải thiện cơ bản chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo cơ sở để mở rộng nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng.
Tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng: Rút ngắn các thủ tục hành chính; mở rộng hoạt động tư vấn về quản trị tài chính, phát hành trái phiếu; phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định, phê duyệt, giải ngân tiền vay và công tác kiểm soát sau vay nhằm tạo thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn, gia tăng nguồn thu cho Quỹ.
Nghiên cứu triển khai thí điểm phương thức đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp đối với loại hình tài sản này.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại hình tài sản, bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển và các động sản khác, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu và tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt