Thứ Ba, 06/09/2016 10:58:37 (GMT+7)

Doanh nghiệp FDI mỏng vốn đến đâu?

Lo ngại chiến lược vốn mỏng của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Chính phủ đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ. Nhưng thực sự doanh nghiệp FDI mỏng vốn đến đâu?

Doanh nghiệp FDI mỏng vốn đến đâu?

Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark đang bị bỏ hoang cùng với khoản vay 67,6 triệu USD của ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh

Một văn bản vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả củadoanh nghiệp năm 2015. Trong đó, có một chỉ đạo quan trọng: đó là Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cơ cấu vốn (vốn góp trên tổng vốn đầu tư) của khối doanh nghiệp FDI để đánh giá mức độ rủi ro của việc phụ thuộc nhiều vào vay nước ngoài của khối doanh nghiệp này; định hướng và giải pháp khắc phục chiến lược vốn mỏng của các doanh nghiệp FDI.

Bởi thế, câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp FDI vốn mỏng đến đâu?

Thực tế, chuyện doanh nghiệp FDI vay vốn nước ngoài, vay vốn trong nước đã được nhắc đến rất nhiều khoảng 4 năm trước đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố rằng, giai đoạn 2009 – 2011, mức vay trung, dài hạn của các doanh nghiệp FDI chiếm 50 – 60% tổng số vốn vay trung, dài hạn nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ và chiếm khoảng 87 – 97% tổng số vốn vay trung, dài hạn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh của các doanh nghiệp không thuộc khối doanh nghiệp nhà nước. Còn con số tuyệt đối, dư nợ cuối kỳ vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp FDI năm 2009 là 4,275 tỷ USD, năm 2010 là 4,545 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2011 là 4,8 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu vay vốn từ công ty mẹ và các ngân hàng, tập đoàn tài chính nước ngoài và đây là con số chưa đầy đủ.

Mặc dù vào thời điểm đó, không ít quan điểm của các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu doanh nghiệp FDI vay vốn nước ngoài thì chẳng có gì đáng lo, miễn là họ nghiêm túc thực hiện các chính sách pháp luật về đầu tư của Việt Nam, song Ngân hàng Nhà nước thì vẫn nhất quán quan điểm cho rằng, nếu hoạt động của doanh nghiệp FDI phụ thuộc phần lớn vào vốn vay, mọi rủi ro của dòng vốn vay do doanh nghiệp FDI (là một pháp nhân Việt Nam) gánh chịu. Do vậy, phải nghiên cứu bổ sung các quy định về tiến độ vốn góp đầu tư, hoặc quy định về tỷ lệ vốn vay trong tổng vốn đầu tư đối với dự án FDI tại Việt Nam.

Đành rằng, vay vốn là chuyện dĩ nhiên, hơn nữa trong trường hợp này là vay vốn nước ngoài, nhưng nếu doanh nghiệp FDI quá phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chuyển vốn vào Việt Nam, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án và mục tiêu thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Đó là điều đã được ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.

Thực tế, rất nhiều dự án FDI quy mô vốn khủng cũng đã “đứt gánh giữa đường” chỉ vì không thu xếp được vốn. Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất), vốn đầu tư 3 tỷ USD, ở Quảng Ngãi là ví dụ điển hình. Hay Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, vốn đầu tư 1,85 tỷ USD, cũng gặp trắc trở vì một thời gian dài không thu xếp được vốn. Tương tự, Dự án Bus Center, 1 tỷ USD, ở Bình Định; hay Dự án bãi biển Phượng hoàng của Dewan ở Khánh Hòa, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD… cũng đã bị thu hồi chỉ vì nhà đầu tư đăng ký đầu tư hoành tráng, nhưng không thu xếp được vốn…

Đó là những bài học nhãn tiền cho thấy, ngay cả với việc doanh nghiệp FDI vay vốn từ bên ngoài cũng không thể “buông lơi” quản lý. Để quản chặt dòng vốn FDI, năm 2012, trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI vào Việt Nam, trong đó có việc giao các bộ, ngành bổ sung, chỉnh sửa các quy định về vay, trả nợ của doanh nghiệp FDI theo hướng thống nhất cơ chế, chính sách quản lý vay, trả nợ trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nợ nước ngoài thận trọng, đảm bảo quy trình tỷ lệ nợ an toàn, hiệu quả và nợ trong và ngoài nước của khối doanh nghiệp FDI nằm trong phạm vi tổng vốn đầu tư của dự án đã được phê duyệt tại giấy chứng nhận đầu tư.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, trong đó cũng có các điều khoản về việc báo cáo, giám sát các khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, từ năm 2012 tới nay, chưa có báo cáo nào về tình hình doanh nghiệp FDI vay vốn từ nước ngoài được công bố, hoặc chí ít là giới truyền thông chưa thể tiếp cận.

Thực tế, liên quan tới chiến lược vốn mỏng của doanh nghiệp FDI, cũng cần nhắc đến câu chuyện rất nhiều doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, nhưng thực tế lại “lấy mỡ nó rán nó”, tức là vay vốn trong nước để thực hiện dự án. Đây cũng là điều đã luôn khiến dư luận bức xúc và cũng đã được cảnh báo lâu nay.

Cũng là 4 năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành để rà soát và báo cáo Chính phủ về thực trạng vay vốn trong nước của các doanh nghiệp FDI. Số liệu không chính thức được công bố, song nhiều thông tin cho biết, đã có những cái tên được nhắc tới thuộc diện vay vốn trong nước khá nhiều, như Silver Shores, Phú Mỹ Hưng, Điện tử Foster, CP Việt Nam… Và đặc biệt là chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark Hải Dương và Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam…

Hậu quả là khá rõ ràng. Đó là Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark vẫn đang bị bỏ hoang cùng với khoản nợ 67,6 triệu USD đang treo, vay của ngân hàng. Còn với Lifepro là khoản vay gần 3.000 tỷ đồng cũng của ngân hàng.

Rõ ràng, thu hút vốn FDI là quan trọng, nhưng chiến lược vốn mỏng của doanh nghiệp FDI cũng khiến chúng ta phải cẩn trọng!.

Theo Nguyên Đức - Báo Đầu tư