Thứ Sáu, 26/08/2016 15:47:23 (GMT+7)

Chính sách công nghiệp quốc gia cần có chọn lọc, khả thi cao

Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Việt Nam là rà soát chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia.

Chính sách công nghiệp quốc gia cần có chọn lọc, khả thi cao

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP.Huy Thắng

Tại buổi tọa đàm “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam: Thực trạng và định hướng đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 25/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những chuyển biến sâu sắc. Vị trí Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Mục tiêu trở thành nước công nghiệp được kiên trì thực hiện, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Trên cơ sở đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là rà soát chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia.

Tuy nhiên, có một số nội dung không phù hợp trong bối cảnh mới, do đó, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu Đề án về chính sách công nghiệp quốc gia.

Tại buổi tọa đàm, GS. Kenichi Ono (Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản) nhận xét: Dựa vào thực trạng hiện nay có thể thấy chính sách công nghiệp của Việt Nam chưa tốt. Nhiều văn bản chính sách của Việt Nam thường liệt kê quá nhiều các mục và biện pháp chung chung.

Theo ông Kenichi Ono, việc có tới 13 ngành ưu tiên (với 5 ngành bổ sung sau) dường như là quá nhiều, do thực tế năng lực chính sách của Việt Nam hạn chế so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… những nước có kinh nghiệm lâu năm trong việc xúc tiến công nghiệp thành công, có tính cạnh tranh cao.

Việt Nam nên lựa chọn với số lượng thực, không nên quá rộng rãi, thậm chí một, hoặc một vài ngành mục tiêu là đủ để xúc tiến thí điểm. Trên những kết quả bước đầu, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp trên toàn quốc với các bước thích hợp, cùng nhân viên mới được đào tạo, sắp xếp tổ chức mới và các nguồn lực bổ sung.

GS. Kenichi Ono chia sẻ kinh nghiệm: Trong giai đoạn thúc đẩy chiến lược phát triển công nghiệp của Nhật Bản, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản đã tích cực tham gia cung cấp hỗ trợ tích hợp về công nghệ, quản lý và tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Chính phủ cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp này cải thiện kế hoạch kinh doanh cho đến khi họ đạt tiêu chuẩn để hỗ trợ chính thức.

Ở cấp thấp hơn, chính quyền địa phương tại Nhật Bản cũng hỗ trợ cho các DNVVN tại địa phương. Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật tại địa phương cũng được thành lập. Các tổ chức tài chính đặc biệt và cơ chế bảo lãnh tín dụng đã được thành lập cho các DNVVN. Kaizen (cải tiến năng suất liên tục) được mở rộng để hình thành các DNVVN trên toàn quốc. Các DN này cũng được bảo vệ từ những “chèn ép vô lý” của những khách hàng lớn…

TS. Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta chỉ nên cấu trúc những ngành ưu tiên, hình thành 2 vùng công nghiệp lõi và công nghiệp đệm. Vùng công nghiệp lõi thì cần tập trung vào các ngành công nghiệp ưu tiên để lôi kéo và tạo thị trường cho các vùng khác phát triển.

Một vấn đề khác cần khắc phục ngay là nguồn nhân lực được đào tạo có tỉ lệ thấp, tác phong công nghiệp, kỹ năng kém. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2016, trong tổng số hơn 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, chỉ có hơn 11,3 triệu người đã được đào tạo, chiếm 20,89% . Thậm chí, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành chế biến, chế tạo rất thấp (17,9%), giảm so với năm 2013 (18,3%) có thể là một trong các nguyên nhân chính khiến sản phẩm công nghiệp chủ yếu là gia công.

“Đáng lo ngại là nhiều ngành công nghệ lại lạc hậu 2-3 thế hệ, chính sách công nghiệp quốc gia nên có sự điều chỉnh lại, thu gọn cho hợp lý”, TS. Giám nói.

Có cùng quan điểm, ông Sebastian Eckardt, đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, ngành chế tạo có tỉ trọng xuất khẩu lớn và Việt Nam đã có được một số thành công trong lĩnh vực này. Ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay đang có nhiều thách thức, đó là hiệu suất lao động cần tăng trưởng thêm nữa, khai thác tối đa tiềm năng hội nhập quốc tế và phát triển xanh cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Đại diện cơ quan quản lý về phát triển công nghiệp, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thừa nhận rằng trước đây ta đặt ra mục tiêu quá cao, trong khi trình độ của chúng ta yếu nên không phát triển được.

Hiện nay, quan trọng của phát triển công nghiệp là phải hướng vào thị trường và xuất khẩu. Trong đó, DN tư nhân phải đóng vai trò chủ đạo, nhưng nếu Nhà nước không hỗ trợ thì sẽ rất khó khăn, bên cạnh đó, cần tạo nền tảng cho ngành công nghiệp chế tạo.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, nên có một quỹ phát triển công nghiệp, trong đó Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các DNVVN.

Kết luận buổi tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Việc trao đổi, lấy ý kiến của các chuyên gia, đại diện các tổ chức sẽ giúp hiểu rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức để trong thời gian tới đổi mới chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam theo nguyên tắc thị trường, nhằm mục đích phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, phát triển những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.

Đề án chính sách công nghiệp quốc gia sau khi thảo luận, tiếp thu các ý kiến sẽ hoàn thiện trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 11 tới.

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ