Chú trọng phát triển nguồn lao động chất lượng cao
Phát biểu tại hội nghị “Triển khai tuyển chọn, đào tạo lao động cho các doanh nghiệp FDI, DDI và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) giai 2016 -2020”, đồng chí Lê Duy Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng, nhất là trong điều kiện Vĩnh Phúc đang thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp với chính quyền và các cơ sở đào tạo nghề trong việc đào tạo, tuyển chọn lao động.
Để phát triển KT-XH trong thời gian tới, tỉnh chú trọng thu hút các dự án FDI công nghệ hiện đại, công nghệ cao, do đó cần có nguồn nhân lực phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay chất lượng nhân lực đã qua đào tạo của tỉnh chưa cao do việc đào tạo nghề chủ yếu thực hiện theo hình thức ngắn hạn. Việc đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề chủ yếu do các trường dạy nghề của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện. Việc liên thông đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề với nhau và với cơ sở tuyển dụng lao động, trong đó có các doanh nghiệp FDI trên địa bàn còn hạn chế. Từ đó, việc nâng cao tay nghề cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn, cơ cấu nghề đào tạo chưa khớp với nhu cầu sử dụng, hoạt động dạy nghề chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về lao động kỹ thuật thực hành có trình độ kỹ thụât cao của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo lao động còn thiếu thốn, máy móc thiệt bị dạy nghề thiếu và lạc hậu so với doanh nghiệp FDI; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tỷ lệ giáo viên/học sinh thấp hơn so với tỷ lệ chuẩn là 1/15 (hiện nay đang là 1/27).
Để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu. Cụ thể, về quy mô đào tạo cần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 75% tổng số lao động làm việc, trong tổng số lao động qua đào tạo, tỷ lệ công nhân kỹ thuật các loại đạt mức 60%. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, đại học và phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư giỏi trong các ngành sản xuất công nghiệp đang có xu thế thu hút FDI công nghệ cao như cơ khí chế tạo, điện tử, CNTT, vật liệu mới, công nghệ sinh học, may mặc, giày da, chế biến nông sản thực phẩm… phấn đấu đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ cao đạt mức 35-40%. Về mạng lưới cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cần chú trọng đào tạo cả bậc đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời củng cố và kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng. Đối với dạy nghề, cần đạo tạo công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh theo hướng hiện đại của các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp hiện nay, ưu tiên xây dựng các cơ sở dạy nghề trực thuộc doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để đào tạo công nhân kỹ thuật các cấp trình độ cao. Những cơ sở dạy nghề này có nhiệm vụ đào tạo và cung cấp kỹ thuật viên, công nhân lành nghề có trình độ cao cho các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp trong tỉnh và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Trung du miền núi Bắc bộ.
Bên cạnh đó, muốn có môi trường đào tạo tốt cần nâng cấp, đồng bộ hóa và hiện đại hóa các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề hiện có, đảm bảo đào tạo lao động có trình độ cao và đào tạo nghề trình độ cao đẳng. Trước mắt tập trung nâng cấp các trường trọng điểm như: Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc để đào tạo công nhân kỹ thuật chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho phát triển KT-XH của tỉnh và các tỉnh lân cận. Xây dựng Trung tâm đào tạo quốc tế Mê Kông, là cơ sở đào tạo đa ngành kỹ thuật cao đẳng cấp quốc tế được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của Nhật Bản để đào tạo và cung cấp lao động kỹ thuật trình độ cao cho tỉnh Vĩnh Phúc, các tỉnh vùng Bắc bộ và các nước tiểu vùng sông Mê kông. Với cơ cấu theo ngành, cần ưu tiên đào tạo cho các ngành then chốt như: Cơ khí, điện tử, CNTT, sản xuất vật liệu mới; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nhân lực bằng hình thức Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo theo địa chỉ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động đối với người sử dụng lao động nhằm đảm bảo điều kiện làm việc và đời sống cho người lao động; tập trung giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ các dự án FDI có quy mô lớn, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo…
Như vậy, để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho thu hút đầu tư của doanh nghiệp FDI nhằm thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh, bên cạnh việc tiếp tục tăng nguồn vốn ngân sách cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo phục vụ phát triển nguồn nhân lực. Có cơ chế để ràng buộc trách nhiệm các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trong việc đóng góp kinh phí đào tạo lao động mà doanh nghiệp đang sử dụng, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh đóng góp kinh phí hoặc trực tiếp xây dựng cở sở đào tạo. Mở rộng tổ chức các quỹ khuyến học, bảo trợ giáo dục, khuyến khích các cá nhân và tổ chức đóng góp vào sự phát triển đào tạo của tỉnh bằng mọi hình thức.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh