Việt Nam – Singapore: Chung lợi ích từ hội nhập khu vực
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore, thiết lập tháng 9/2013, là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ tốt đẹp và lâu dài giữa hai nước.
Trong những năm qua, hợp tác thương mại và đầu tư song phương đã không ngừng lớn mạnh, trên cơ sở Hiệp định Khung về Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore và được sự hỗ trợ của lãnh đạo và chính phủ hai nước.
Việt Nam là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp Singapore. Khi xem xét đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp thường cân nhắc cả khó khăn và chính sách ưu đãi trong ngắn hạn để đánh giá tiềm năng của thị trường về dài hạn.
Việt Nam đã hấp dẫn họ thông qua tiềm năng kinh tế lớn, dân số đông và trẻ, tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và sự gần gũi về địa lý đối với Singapore.
Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam, với tổng vốn lũy kế cho đến nay khoảng 38,1 tỷ USD, đầu tư vào 1.663 dự án trên toàn quốc.
Các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ đối với hợp tác kinh tế song phương lâu dài của hai quốc gia.
Tính từ khi VSIP đầu tiên được xây dựng 20 năm trước, đến nay đã có 7 VSIP, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hơn 150.000 lao động.
Đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore đang tiếp tục đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn.
Ví dụ, Dự án One Hub Sài Gòn của Công ty Ascendas tại TP.HCM tập trung vào sản xuất công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Các doanh nghiệp Singapore khác như CapitaLand, Keppel Land và Mapletree từ rất lâu đã phát triển nhiều dự án bất động sản nhà ở và thương mại tại Việt Nam.
Ngoài đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống, như bất động sản và khu công nghiệp, các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, như sản xuất (bao gồm chế biến thực phẩm và điện tử) và dịch vụ (bao gồm hậu cần và vận hành cảng).
Cùng với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, đi kèm với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ hiện đại, các doanh nghiệp Singapore cũng muốn đầu tư vào các lĩnh vực mới, như ngân hàng, y tế và viễn thông. Ngoài ra, giới đầu tư Singapore rất quan tâm tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.
Singapore và Việt Nam đang hướng đến hợp tác trong lĩnh vực du lịch biển, nhằm đẩy mạnh kết nối, giao lưu nhân dân và tăng cường hiểu biết hơn giữa hai nền văn hóa.
Việt Nam đang ở bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Singapore cũng là một phần của các hiệp định này.
AEC sẽ giảm dần các rào cản thương mại, tạo điều kiện cho việc lưu chuyển các dòng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong các nước thành viên ASEAN, tăng cường việc tiếp cận thị trường cũng như làm sâu sắc thêm quá trình hội nhập kinh tế giữa Việt Nam và Singapore.
AEC dỡ bỏ các rào cản phi thương mại, hài hòa hóa hơn các tiêu chuẩn và các luật cạnh tranh. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và thương mại trong khu vực.
Bên cạnh hợp tác kinh tế song phương lớn hơn, AEC giúp tăng cường sự hấp dẫn và nâng cao giá trị của ASEAN đối với các doanh nghiệp trong khu vực thông qua việc tận dụng các thế mạnh bổ sung của các nước thành viên ASEAN.
Tương tự, TPP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, Singapore và các nước thành viên TPP khác hội nhập tốt hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, thông qua việc cải thiện hiệu quả thương mại và gia tăng sức cạnh tranh của các nước thành viên.
Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ các cơ hội do hội nhập kinh tế khu vực mang lại nếu Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Cụ thể, Việt Nam cần có sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả doanh nghiệp, giải quyết các rào cản có tính hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng, cải thiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như cải thiện năng suất lao động.
Nếu được thực hiện hiệu quả, cải cách sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức cạnh tranh và hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm doanh nghiệp Singapore.
Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Singapore có nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi tin rằng, với những thành tựu hợp tác nhiều mặt hiện tại, quan hệ Singapore – Việt Nam sẽ có tương lai xán lạn hơn ở phía trước .
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt