Thứ Hai, 01/08/2016 8:06:14 (GMT+7)

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: “Phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để phát triển quốc gia”

“Với quan điểm phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để phát triển quốc gia, đề nghị Quốc hội ghi nhận trong Nghị quyết của mình mục tiêu mà Chính phủ đề xuất: phấn đấu đến năm 2020, nước ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Quốc hội có nghị quyết để thúc đẩy, giám sát chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: “Phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để phát triển quốc gia”

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: "Trong chương trình tổng thể, đồng bộ mà Thủ tướng đã nêu, tôi nghĩ, rất cần tập trung hóa giải các nút thắt: chi tiêu chính phủ, nợ công, nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính… Tôi đề nghị Quốc hội tạo điều kiện cho Chính phủ giải quyết thực chất các vấn đề này".

Ngày 29/7, Tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phát biểu góp ý thẳng thắn.

Nhận xét về Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đó là một bài báo cáo “dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, khi đề cập tới những vấn đề lớn của đất nước và của nền kinh tế”.

” Nói về nợ công, nợ chính phủ, Thủ tướng đã khẳng định: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ đã vượt trần.

Nói về nợ xấu, Thủ tướng thừa nhận: Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn.

Lần đầu tiên chúng ta được thông tin chính thức từ Chính phủ như vậy vì xưa nay chúng ta vẫn nghĩ: Có vẻ như việc xử lý nợ công, nơ xấu đang trong một lộ trình suôn sẻ.

Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề nợ công, nợ xấu, hai vấn đề quan ngại bậc nhất liên quan tới sự ổn định của nền tài chính quốc gia và doanh nghiệp được đề cập một cách thẳng thắn như vậy trong Báo cáo của Chính phủ. Việc nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, thể hiện bản lĩnh và sự minh bạch của Chính phủ. Đây là tiền đề cho những quyết tâm và giải pháp có thể giải quyết một cách thực chất các vấn đề đặt ra cho nền kinh tế đất nước”, ông Lộc nhận xét.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2015, với con số tăng trưởng 6,68% cho thấy nền kinh tế đang phục hồi và thắp lên những hy vọng về một chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, nếu suy ngẫm về những số liệu mới được công bố và đặc biệt, qua những chỉ số phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, lại cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa ra khỏi được giai đoạn khó khăn, và sự phục hồi bước đầu của nền kinh tế năm 2015 là không bền vững, bởi lẽ vẫn phải dựa trên việc tăng sản lượng của một số ngành khai thác tài nguyên…

“Câu hỏi đặt ra, là tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011, chúng ta đã chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm ? Có những nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan, theo tôi, là ở chỗ: chúng ta đã chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế còn tồn đọng”, ông Lộc nhận xét.

Theo ông Lộc, việc cắt giảm biên chế và chi tiêu Chính phủ chưa có chuyển biến đáng kể. Tình trạng thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán mà Quốc hội thông qua. Nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay.

Nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC chứ chưa được mua-bán, sang tên đổi chủ bằng tiền tươi thóc thật. Con số tăng trưởng tín dụng có lẽ cũng không thực chất, khi chưa làm rõ được bao nhiêu phần trăm là do các ngân hàng thương mại đảo nợ, bao nhiêu phần trăm là do các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ. Bởi vậy, mặc dù tín dụng tăng trưởng cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn và vẫn phải trả mức lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát.

Công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hoá diễn ra rất chậm. Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá không những không đạt kế hoạch, mà quy mô thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp cũng chỉ ở mức tượng trưng, không đủ để tạo nên những thay đổi về quản trị cũng như hiệu quả…

Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, mặc dù Chính phủ đưa ra thông điệp và chương trình hành động rất rõ ràng và thể hiện quyết tâm cao, nhưng nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.

Đơn cử, việc thực hiện Nghị quyết 19 (2014/2015), một nghị quyết mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sau 2năm thực hiện, chỉ có 13/63 địa phương và 4/22 bộ ngành có gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ. Hay, việc triển khai soạn thảo các nghị định thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tưđã ban hành từ năm 2014 nhưng suốt cả năm 2015 và Quý I năm 2016, các bộ ngành vẫn “đủng đỉnh” và không tránh khỏi thiếu sót.

Và mặc dù gần 50 nghị định hướng dẫn đã được thông qua đúng theo kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý đã chưa được giải quyết dứt điểm ở thời điểm 1/7.  Kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ.

“Nhiều giải pháp đúng, nhưng chúng ta triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn, nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo. Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm được tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận được, có thể yên tâm được”, ông Lộc nói.

Các chi phí hành chính, chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản.Vẫn có tới 60% doanh nghiệp không có lãi hoặc kinh doanh thua lỗ, khoảng 120.000 doanh nghiệp phải rời thị trường trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự được phục hồi.

Từ đầu năm, đặc biệt là sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng chính phủ cả ở tầm tư duy, quan điểm, kỷ luật thực thi và chương trình hành động, dường như đang có một làn gió mới của cải cách được hình thành, niềm tin vào môi trường kinh doanh, lại một lần nữa được khơi dậy.

Báo cáo của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ những việc mà Chính phủ đã làm và những tác động tích cực đến môi trường kinh doanh. Dù vậy, thời gian còn quá ngắn để tư duy và hành động của Chính phủ minhchứng được kết quả trên thực tiễn. Nhưng quan trọng nhất là niềm tin đã trở lại.

Người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ và để không phụ niềm tin của người dân và doanh nghiệp phải chăng đang là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ.

“Tôi nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng đã nêu trong báo cáo của mình. Tôi rất mừng, dù chịu áp lực rất lớn là  phải đẩy mạnh tăng trưởng, nhưng Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Khẳng định quan điểm chính sách lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng.Không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ quan điểm này của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Trong chương trình tổng thể, đồng bộ mà Thủ tướng đã nêu, tôi nghĩ, rất cần tập trung hóa giải các nút thắt: chi tiêu chính phủ, nợ công, nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính… Tôi đề nghị Quốc hội tạo điều kiện cho Chính phủ giải quyết thực chất các vấn đề này”, ông Lộc nêu quan điểm.

Với quan điểm phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để phát triển quốc gia, tôi đề nghị, Quốc hội ghi nhận trong Nghị quyết của mình mục tiêu mà Chính phủ đề xuất: phấn đấu đến năm 2020, nước ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả… Và Quốc hội có nghị quyết để thúc đẩy, giám sát chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ. Quốc hội cần chung tay với Chính phủ vì rất nhiều nội dung trong các chương trình hành động này sẽ không thể thực hiện nếu không được đồng bộ hóa với những nỗ lực của Quốc hội về hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường công tác tư pháp và giám sát tối cao”, ông Lộc đề xuất.

Theo ông Lộc, các địa phương là tuyến đầu trong phát triển kinh tế, nên đề nghị Quốc hội, khuyến khích và ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện những mô hình đột phá trong phát triển kinh tế ở các địa phương: các đặc khu kinh tế, các cơ chế thí điểm, cơ chế đặc thù, thực hiện chính quyền điện tử, thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, các cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương, các dự ánnâng cấp trụ sở, phương tiện làm việc của các cơ quan chính quyền theo phương thức “Đầu tư tư – Sử dụng công” và đẩy mạnh việc xã hội hóa trong đầu tư phát triển và mở rộng các dịch vụ công ở mọi cấp chính quyền.

Ông Lộc cũng đề nghị, tăng cường đối thoại, nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm tốt trong việc phát triển bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xuống cấp sở, ban, ngành, quận, huyện và tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp góp ý cho cấp ủy và chính quyền về chất lượng thi hành công vụ của từng cán bộ công chức.

“Tôi tin rằng, những mô hình thực tiễn tốt ở các địa phương như đã đề cập ở trên, nếu được triển khai rộng khắp sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế một cách thiết thực trong thời gian tới, ông Lộc chia sẻ.

Theo Hữu Tuấn - Báo Đầu tư