Thứ Hai, 25/07/2016 16:16:41 (GMT+7)

3 mục đích chiến lược cải cách, hiện đại hóa Hải quan

Bộ Tài chính vừa có quyết định số 1614/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020.

3 mục đích chiến lược cải cách, hiện đại hóa Hải quan

Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành cơ quan Hải quan điện tử hiện đại, triển khai hiệu quả, hiệu lực các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan, trở thành cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho các đối tác trong thực hiện thủ tục hải quan. Xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, được trang bị và làm chủ các trang thiết bị công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Kế hoạch tập trung vào 3 mục đích chiến lược. Một là, tạo thuận lợi và kiểm soát trong thực hiện quản lý hải quan đối với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nhằm thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi thương mại quốc tế, đảm bảo nguồn thu, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan trên cơ sở thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan trong thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về hải quan.

Ba là, nâng cao năng lực của cơ quan Hải quan các cấp theo hướng từng bước xây dựng cơ quan Hải quan điện tử dựa trên mô hình kiến trúc bộ, ngành điện tử, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử.

Phát triển mô hình thủ tục hải quan điện tử

Để thực hiện các mục đích chiến lược trên, Tổng cục Hải quan cũng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, cơ quan Hải quan tiếp tục phát triển mô hình thủ tục hải quan điện tử với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, quy trình thủ tục, nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống thông quan điện tử tập trung VNACCS/VCIS trên cơ sở tích hợp các hệ thống phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ vào hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ hải quan thống nhất.

Trong đó, tập trung vào hoàn thiện thể chế, quy trình thủ tục hải quan theo hướng tuân thủ các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Luật khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử. Duy trì bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS bảo đảm vận hành ổn định theo hướng triển khai mở rộng và đi vào chiều sâu. Tăng cường phương thức kiểm tra hàng hóa bằng máy soi; tiếp tục duy trì xu hướng giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan, tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan…

Một nhiệm vụ quan trọng là tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, tập trung đẩy mạnh triển khai hoạt động kiểm tra sau thông quan cả về số lượng, chất lượng trên cơ sở áp dụng đầy đủ mô hình quản lý tuân thủ, kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tăng cường hoạt động nghiệp vụ kiểm soát Hải quan thông qua việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường…

Nhiệm vụ tiếp theo trong giai đoạn 2016-2020 là đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp; quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế giữa Hải quan với các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, Hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Ngọc Linh - Báo điện tử Chính phủ