Thứ Sáu, 08/07/2016 9:22:32 (GMT+7)

Kiến nghị bãi bỏ Thông tư 37 của Bộ Công thương do ban hành trái luật

Các chuyên gia của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa phát hiện, Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (gọi tắt là formaldehyt) được ban hành trái luật.

Kiến nghị bãi bỏ Thông tư 37 của Bộ Công thương do ban hành trái luật

“Chúng tôi phát hiện điều này khi rà soát các văn bản pháp lý liên quan. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương bãi bỏ ngay Thông tư 37”, nhóm chuyên gia của GIG và CIEM cho biết.

Cơ sở của đề xuất trên chính là căn cứ ban hành của Thông tư 37 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Theo khoản 1, Điều 5 của Luật này, chỉ những sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 2 mới phải chịu quản lý chất lượng trên cơ sơ quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Còn các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Theo quy định trên, Bộ Công thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, nếu sản phẩm dệt may thuộc sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, các chuyên gia GIG và CIEM đã không tìm thấy sản phẩm dệt may trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương ban hành kèm theo Thông tư 08/2012/TT-BCT. Chỉ mãi tới khi Thông tư 08 được thay bằng Thông tư 41/2015/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, 15 ngày sau khi Thông tư 37 có hiệu lực, các sản phẩm dệt may các loại mà Thông tư 37 đề cập mới được bổ sung.

Nghĩa là căn cứ pháp lý mà Thông tư 37 dựa vào là văn bản có hiệu lực sau. Hơn thế, các chuyên gia của GIG và CIEM đặt vấn đề rằng, cách quy định Danh mục, sản phẩm Nhóm 2 của Bộ Công thương lại căn cứ theo Thông tư 37 có đúng không, khi mà căn cứ để ban hành Thông tư 37 là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2…

Cũng phải nói thêm, Thông tư 37 là văn bản sửa đổi từ Thông tư số 32/2009/TT-BCT cũng về nội dung này sau khi các doanh nghiệp có ý kiến về sự phức tạp của các quy định. Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 32. Hướng sửa đổi cũng đã được Chính phủ xác định rõ, đó là miễn kiểm tra đối với nguyên liệu sản xuất, sản phẩm trung gian, sản phẩm khuyến mại nhỏ, sản phẩm quen thuộc đã được nhập khẩu nhiều lần và đã kiểm tra chất lượng với số lần tương ứng, sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hoặc có thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm có xác nhận, chứng nhận (của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín) đạt chất lượng cao. Thực hiện đăng ký và trả kết quả kiểm tra qua mạng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng 2020 tại kỳ họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định, nội dung Thông tư số 37 về cơ bản không tuân thủ theo yêu cầu trên.

“Yêu cầu Bộ Công thương nghiêm túc xem xét các yêu cầu của Nghị quyết 19/2015 đối với bổ sung, sửa đổi Thông tư số 32/2009/BCT và tiếp thu ý kiến góp ý và phản ánh của các doanh nghiệp liên quan đến kiểm tra hàm lượng formaldehyt để sửa đổi Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt, giải quyết triệt để và dứt điểm các vướng mắc, khó khăn đã được các doanh nghiệp góp ý, phản ánh trong thời gian qua”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Đáng nói là, 7 năm áp dụng kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may không theo căn cứ, chỉ có một tỷ lệ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định và chưa phát hiện trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định. Trong khi đó, 7 năm qua, doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỷ đồng cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hoá bị kéo dài.

Chỉ tính riêng trong tháng 3 và tháng 4/2016, có doanh nghiệp dệt may nhập khẩu 96 hàng mẫu, với trọng lượng và giá trị là rất nhỏ, có hàng mẫu (vải) chỉ 5-10m với giá trị chỉ 100.000 – 200.000 đồng, nhưng phí kiểm tra formaldehyt mà doanh nghiệp phải trả là 2 triệu đồng, cao gấp 10 – 20 lần giá trị hàng mẫu.

Theo Khánh An - Báo Đầu tư