Hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Thông tư quy định, đồng tiền sử dụng để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bao gồm: Ngoại tệ; Đồng Việt Nam trong trường hợp chuyển vốn đầu tư sang quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư mà Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có ký kết thỏa thuận, hiệp định song phương, đa phương quy định về việc cho phép sử dụng đồng Việt Nam trong các giao dịch thanh toán, chuyển tiền.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư bằng 1 loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 1 tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước theo quy định.
Trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời 1 tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và 1 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại 1 tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước theo quy định.
Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án.
Các giao dịch thu, chi trên tài khoản bằng ngoại tệ
Thông tư nêu rõ, trên tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ được thực hiện các giao dịch thu sau: Thu chuyển khoản từ tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư; thu ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật; thu lợi nhuận và các thu nhập hợp pháp chuyển về nước từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài; thu chuyển vốn đầu tư về Việt Nam trong trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư ở nước ngoài, giảm vốn đầu tư, thanh lý hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư ở nước ngoài; thu nợ gốc là lãi của các khoản cho vay của nhà đầu tư đối với chính pháp nhân thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; thu hồi nợ từ bên được bảo lãnh liên quan đến các khoản bảo lãnh của nhà đầu tư cho chính pháp nhân thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; các giao dịch thu khác liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Các giao dịch chi được thực hiện là: chi chuyển khoản vốn đầu tư ra nước ngoài; chi cho vay đối với chính pháp nhân thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; chi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh liên quan đến khoản bảo lãnh của nhà đầu tư cho chính pháp nhân thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép; chi chuyển khoản vào tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư; các giao dịch chi khác liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư về nước sau khi thanh lý, chấm dứt, giảm vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam; đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/8/2016.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt