Thứ Ba, 21/06/2016 21:10:08 (GMT+7)

Hàng ngàn doanh nghiệp Thái Lan muốn đầu tư vào Việt Nam

Hàng ngàn doanh nghiệp Thái Lan có ý định đầu tư vào Việt Nam nhằm tranh thủ các lợi ích từ môi trường kinh doanh tại đây, cũng như tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.

Hàng ngàn doanh nghiệp Thái Lan muốn đầu tư vào Việt Nam

Doanh nghiệp Thái Lan đã thâu tóm khá nhiều hệ thống siêu thị tại Việt Nam, trong đó có Metro. Ảnh: Đức Thanh

Ồ ạt đầu tư

Trong nỗ lực mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, Công ty Hemaraj đang nhắm đến một số dự án xây dựng khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Nghệ An. Cụ thể, Hemaraj đang nghiên cứu đầu tư 2 dự án: KCN WHA Hemaraj 1- Nghệ An, với tổng diện tích hơn 2.000 ha tại KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc); KCN WHA Hemaraj 2 – Nghệ An, với tổng diện tích hơn 1.100 ha tại KCN Thọ Lộc (huyện Diễn Châu). Dự kiến, Hemaraj sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư vào tháng tới.

Một nhà đầu tư khác của Thái Lan, Công ty RATCH Co., Ltd, gần đây cũng đã làm việc với Bộ Công thương, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 và mong muốn được tham gia đầu tư vào các dự án nguồn điện của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại Diễn đàn CLMVT với chủ đề “Hướng tới Thịnh vượng chung” (CLMVT 2016 Forum 2016: Towards a Shared Prosperity” do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức từ ngày 16-18/2016 tại Bangkok (Thái Lan), bà Apiradi Tantraporn, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, các dự án xây dựng KCN và nhiệt điện nằm trong số rất nhiều dự án mà các nhà đầu tư Thái Lan quan tâm tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các rào cản thuế quan được dỡ bỏ trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, nhiều nhà đầu tư Thái Lan đang có kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh sang Việt Nam.

“Việt Nam là thị trường vô cùng hấp dẫn không chỉ đối với doanh nghiệp Thái Lan, mà còn đối với cả nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác”, bà Tantraporn nhấn mạnh.

Còn theo Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam,  gần 2.000 doanh nghiệp Thái Lan hiện bày tỏ ý định đầu tư vào Việt Nam.

Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Thái Lan – Việt Nam cho rằng, theo cam kết của Việt Nam trong AEC và các FTA với các đối tác, việc giảm và bãi bỏ thuế nhập khẩu cho đại đa số các mặt hàng sẽ giúp doanh nghiệp Thái đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, và từ Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước thành viên FTA.

“Các nhà đầu tư Thái Lan rất muốn đầu tư mạnh hơn nữa vào thị trường Việt Nam vì hàng Thái được nhiều người Việt Nam ưa chuộng”, ông Angubolkul nói.

Đại diện của nhiều công ty Thái Lan như Duay Ruk, Green Siam Marketing, TRI Global, Pharmaceutical Industry, Kito, CT Industry, NMB-Minebea Thai, Gates Unitta… cho biết, họ đánh giá cao thị trường Việt Nam và có thể mở rộng đầu tư và kinh doanh sang đây. Trước mắt, họ sẽ quảng bá sản phẩm qua các hội chợ và triển lãm.

Trong vài năm gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều dự án lớn của Thái Lan. Gần đây nhất, trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Central Group đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại Big C Việt Nam (do Tập đoàn Casino của Pháp sở hữu), với giá trị hợp đồng gần 1,1 tỷ USD.

Đầu năm ngoái, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Cũng trong làn sóng đầu tư của người Thái vào thị trường bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn Thai Charoen Corp (TCC) đã bỏ ra 876 triệu USD để mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức). Vào năm 2013, Berli Jucker, công ty con của TCC, cũng đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart tại Việt Nam và sau đó đổi tên chuỗi này thành B’s Mart.

Cải thiện môi trường đầu tư

Theo bà Ponpimon Petcharakul, Tham tán thương mại (Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam), mặc dù thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng để có thể thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng cao hơn với quy mô vốn lớn từ Thái Lan, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Một số doanh nghiệp Thái mà phóng viên Báo Đầu tư có dịp tiếp xúc đã cho biết, rào cản lớn nhất ở Việt Nam là việc kết cấu hạ tầng còn yếu và thủ tục hành chính còn phức tạp.

“Chúng tôi đã làm việc với một số địa phương ở Việt Nam để thực hiện một số dự án chế biến nông sản và xử lý nước thải. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, các ưu đãi cho các dự án này ở Việt Nam không cao, chưa kể các thủ tục hành chính nói chung còn khá rườm rà”, ông Komol Wongthongsri, đại điện một công ty lớn của Thái Lan nói.

Trao đổi về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Sesto Vecchi, luật sư Công ty Luật Russin & Vecchi (Hoa Kỳ), người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm hành nghề luật tại Việt Nam cho hay, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài thường quan ngại nhất là các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thông quan, nộp thuế và cấp phép.

“Việt Nam cần giảm thiểu các quy định không cần thiết và bãi bỏ ngay các rào cản mà các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang gặp phải”, ông Vecchi kiến nghị.

Theo Thanh Tùng - Báo Đầu tư