Vĩnh Phúc coi trọng môi trường ở khu công nghiệp
Những năm qua, Vĩnh Phúc triển khai nhiều hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT), đặc biệt là tại các khu công nghiệp nhằm hạn chế tối đa tác hại từ sản xuất công nghiệp ảnh hưởng đến người lao động và khu dân cư lân cận.
Nhà máy nước thải phát huy hiệu quả
Điều tra xã hội học đã chỉ ra, nước thải công nghiệp là phần việc dễ bị doanh nghiệp lợi dụng và xử lý cẩu thả nhất sau sản xuất. Vì vậy, riêng với vấn đề nước thải, quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Vĩnh Phúc xác định, đây là phần việc sẽ bị thanh tra, kiểm tra thường xuyên và không báo trước. Nhằm tránh sự phiền hà cho doanh nghiệp cũng như tránh sự cố môi trường, trong số 8 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động đã có 6 KCN xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 19.900m3/ngày đêm. Trong đó có thể kể tới KCN Bình Xuyên là 4.100m3/ngày đêm; KCN Khai Quang với tổng 2 module là 5.800m3/ngày đêm; KCN Bá Thiện II là 3.000m3/ngày đêm, hay như KCN Kim Hoa là 1.500m3/ngày đêm… Hiện nay, KCN Bá Thiện đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên chưa hoàn thiện về hạ tầng như hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước sạch, điểm đấu nối đầu vào, đầu ra của trạm xử lý nước thải. Dự kiến, khi hoàn thành nhà máy này sẽ xử lý 5.000m3nước thải trong một ngày đêm.
Theo Phó Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trường Giang, để môi trường xung quanh KCN được bảo đảm, Vĩnh Phúc luôn giám sát, yêu cầu các chủ đầu tư kinh doanh lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào hoạt động. Ban Quản lý KCN cũng giám sát việc thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại tại các doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường và đôn đốc các công ty đầu tư hạ tầng vận hành thường xuyên. Kiểm soát ô nhiễm môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu ứng phó sự cố môi trường của các KCN.
“Qua đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT tại các KCN trên địa bàn cho thấy, hiện nay, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành các quy định về quản lý và BVMT. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm quy định về BVMT. Trước tình hình trên, để đáp ứng nhu cầu về số liệu, thông tin phục vụ công tác BVMT, Vĩnh Phúc đầu tư kinh phí xây dựng các trạm quan trắc. Tại KCN Khai Quang, đã thí điểm đặt trạm quan trắc tự động với lưu lượng là 5.000m3 để phân tích một số chỉ tiêu cơ bản về nước thải sau khi xử lý, trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận. Các số liệu, dữ liệu này được thu thập, lưu giữ và gửi về phòng điều khiển tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và BVMT – Sở Tài Nguyên và Môi trường – Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc Nguyễn Trường Giang cho biết.
Xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm
Liên quan đến công tác xử lý vi phạm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước khẳng định, để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT trong KCN, hiện nay, tỉnh đã giao cho Ban Quản lý các KCN thực hiện chức năng kiểm tra các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về BVMT. Nếu có dấu hiệu vi phạm, Ban Quản lý có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, xử lý, thậm chí đình chỉ hoạt động nếu doanh nghiệp để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài. Trong năm 2015, đã xử phạt 6 vụ vi phạm về BVMT và tài nguyên nước với số tiền xử phạt là 155 triệu đồng. Điển hình là vụ vi phạm tại Công ty TNHH Đường Hải Việt Nam nằm trong KCN Bình Xuyên, chuyên về lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện điện tử, đã vi phạm vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết BVMT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT với mức xử phạt là 30 triệu đồng.
Bên cạnh việc xử lý hành vi vi phạm môi trường, Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT. Thông qua các sự kiện về môi trường được tổ chức thực hiện hằng năm bằng nhiều hình thức đã huy động được hàng vạn lượt người tham gia hưởng ứng. Ngoài ra tỉnh cũng chỉ đạo Quỹ BVMT Vĩnh Phúc thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của 40 doanh nghiệp trên địa bàn với tổng số tiền 6 tỷ đồng. Thẩm định và cho 20 doanh nghiệp vay với tổng số tiền là 50 tỷ đồng trong việc đầu tư các công trình BVMT, Giám đốc Nguyễn Văn Khước cho biết thêm.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh