Các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong 5 tháng đầu năm
“Câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên đã gia tăng qua các năm. Năm 2016 mới qua 5 tháng đã có 12 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Các chỉ số thống kê cho thấy, danh sách và kim ngạch 12 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên như sau.
Điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất. Năm 2015, đây là mặt hàng đầu tiên vượt qua mốc kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD, với mức 30,17 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, mặt hàng này đã chiếm 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 20,6%, cao gấp 3,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Nếu duy trì được tốc độ tăng này, thì cả năm 2016 có thể vượt qua mốc 36 tỷ USD. Về thị trường tiêu thụ, mới qua 1/3 thời gian (mới có số liệu 4 tháng, đến 15/6 mới có số liệu 5 tháng) đã có 23 thị trường đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (1,541 tỷ USD); Hoa Kỳ (1,466 tỷ USD); Hàn Quốc (810 triệu USD), Anh (637 triệu USD)…
Dệt may năm 2015 đạt trên 22,8 tỷ USD, tăng 6,2%; 5 tháng đầu năm 2016 tăng 6,1%; nếu duy trì được tốc độ tăng này, thì cả năm 2016 sẽ vượt qua mốc 24 tỷ USD. Thị trường có nhiều, trong đó có 9 thị trường mới qua 1/3 thời gian đã đạt trên 100 triệu USD (cao nhất là Hoa Kỳ 3,4 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản 845 triệu USD, Hàn Quốc 677 triệu USD, Tây Ban Nha 212 triệu USD… ). Khi Việt Nam tham gia TPP, thì kim ngạch sẽ tăng và đạt quy mô cao hơn. Kỳ vọng 2016 sẽ cán mốc 24,5 tỷ USD.
Điện tử máy tính và linh kiện, với kim ngạch 15,6 tỷ USD, lần đầu tiên mặt hàng này vượt qua mốc 15 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2016 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, với 10 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Trung Quốc (854 triệu USD), Hoa Kỳ (820 triệu USD), Hà Lan (539 triệu USD)… Với kết quả trong 5 tháng qua, kỳ vọng cả năm có thể cán mốc 16,5 tỷ USD.
Giày dép năm 2015 đạt 12,01 tỷ USD; 5 tháng 2016 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong 1/3 thời gian cả năm có 9 thị trường đạt trên 100 triệu USD (cao nhất là Hoa Kỳ 1,33 tỷ USD, Trung Quốc 253 triệu USD, Nhật Bản 226 triệu USD…), kỳ vọng năm 2016 sẽ cán mốc 12,7 tỷ USD.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác năm 2015 đạt 8,17 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2016 tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung (6,6%). Có 6 thị trường trong những tháng đầu năm đạt trên 100 triệu USD (Hoa Kỳ 632 triệu USD, Nhật Bản 466 triệu USD, Trung Quốc 286 triệu USD…). Từ kết quả 5 tháng đầu năm có thể kỳ vọng cả năm 2016 sẽ cán mốc 9,5 tỷ USD.
Thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16%. 5 tháng đầu năm tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015, với tiến độ những tháng đầu năm và khó khăn, kỳ vọng năm nay cán mốc 7 tỷ USD.
Cà phê năm 2015 đạt trên 2,67 tỷ USD, giảm sâu so với năm trước. 5 tháng đầu năm nay tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đạt được kết quả này trong điều kiện hạn nặng là một nỗ lực lớn cộng với những nước sản xuất lớn cà phê cũng bị ảnh hưởng nặng của Elnino. Có thể kỳ vọng cả năm 2016 vượt qua mức 3 tỷ USD.
Túi xách, ví, va li, mũ, ô dù năm 2015 đạt gần 2,88 tỷ USD, 5 tháng đầu năm 2016 tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp đôi tốc độ tăng chung. Trong các thị trường trọng điểm, Hoa Kỳ đạt mức 425 triệu USD và Nhật Bản 120 triệu USD. Có thể kỳ vọng cả năm 2016 vượt qua mốc 3,2 tỷ USD.
Gạo năm 2015 đạt gần 2,8 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2016 tăng 8,4%. Nếu những tháng còn lại tăng được như trên thì cả năm sẽ vượt qua mốc 3 tỷ USD.
Rau quả năm 2015 đạt 1,84 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2016 tăng rất cao so với cùng kỳ (53,7%). Nếu những tháng còn lại đạt được tốc độ tăng như trên, thì cả năm 2016 sẽ đạt trên 2,8 tỷ USD.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt