Thứ Hai, 16/05/2016 17:00:02 (GMT+7)

“Giải mã” hiện tượng Hàn Quốc trong thu hút FDI

Hàn Quốc đang thực sự trở thành một hiện tượng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, với hơn 48 tỷ USD vốn đăng ký lũy kế, vượt xa Nhật Bản tới 9 tỷ USD.

Cuối tuần trước, thêm một sự kiện đánh dấu bước đi dài của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam. Đó là LG Display chính thức khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (màn hình OLED) dành cho các thiết bị di động. Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1,5 tỷ USD.

Đây là dự án tỷ đô đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm nay và là dự án góp phần quan trọng đưa Hàn Quốc trở thành một hiện tượng trong thu hút FDI của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 4/2016, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 48 tỷ USD, vượt xa Nhật Bản – nhà đầu tư nhiều năm liền giữ vị trí quán quân trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam – tới hơn 9 tỷ USD.

Sau Doosan, Kumho, Hyundai, GS, Posco…, nhiều tên tuổi mới của Hàn Quốc đang tiếp tục dốc vốn vào Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh.

Cũng phải nhắc thêm rằng, còn một số lượng không nhỏ các khoản đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc, mà Samsung là ví dụ điển hình, được đầu tư thông qua các công ty con của nước ngoài. Nếu tính thêm các khoản vốn này, FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam chắc chắn vượt xa mốc 50 tỷ USD – chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng vốn FDI trên 288,5 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam trong hơn 1/5 thế kỷ qua.

FDI Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong 2-3 năm qua là do liên tiếp các dự án hàng tỷ USD đổ vào Việt Nam. Ngoài LG với khoản đầu tư 3 tỷ USD, thì “khủng nhất” là Samsung với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ USD. Điều quan trọng, cùng với các dự án “lõi” của Samsung, LG, hàng trăm nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc cũng tìm đến Việt Nam để đầu tư, kinh doanh, tạo thêm xung lực cho làn sóng FDI t Hàn Quốc vào Việt Nam.

Chưa kể, cùng với những “cái tên cũ” như Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco…, gần đây, những tên tuổi mới của Hàn Quốc đã “thi nhau” dốc vốn vào Việt Nam. Lotte là một ví dụ. Sau chuỗi các siêu thị Lotte Mart vẫn đang trong quá trình mở rộng, Lotte đã mua lại Diamond Plaza, xây dựng Lotte Center Hà Nội và đang cùng các đối tác theo đuổi Dự án Thành phố thông minh, vốn đầu tư 2 tỷ USD tại TP.HCM.

Shinsegae cũng thế. Năm ngoái, họ đã đưa vào siêu thị Emart đầu tiên tại Gò Vấp (TP.HCM), với vốn đầu tư 60 triệu USD và tiếp tục lên kế hoạch mở 10 siêu thị như vậy tại Việt Nam cho tới năm 2020. Trong khi đó, CJ sau khi thâu tóm nhãn hiệu kim chi nổi tiếng ở Việt Nam là Ông Kim’s vào tháng 2/2016, đã mua 4,08% cổ phần của Vissan Việt Nam. Cho đến nay, CJ đã đầu tư khoảng 400 triệu USD tại Việt Nam. Công ty có cùng “mẹ” với Samsung, giống như Shinsegae, này thậm chí còn lên kế hoạch chi khoảng 500 triệu USD trong năm 2016 để thực hiện các thương vụ M&A, nhằm tiến nhanh và sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, trong một bài viết cách đây ít ngày, cũng đã nhắc tới xu hướng này và cho rằng, các công ty Hàn Quốc đang “chuyển trọng tâm” sang thị trường Việt Nam, trong bối cảnh hoạt động làm ăn của họ ở Trung Quốc đã chạm giới hạn. Thậm chí, Yonhap đã dẫn báo cáo của Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại của Hàn Quốc về việc Chính phủ Hàn Quốc đang theo đuổi việc mở rộng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Việt Nam để bù đắp cho việc thương mại của Hàn Quốc đang trì trệ, đồng thời coi Việt Nam là một cơ hội tốt cho các công ty của Hàn Quốc.

Một báo cáo nghiên cứu về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc thường đầu tư ra nước ngoài với các mục tiêu: tiếp cận thị trường (chiếm 36% mục đích đầu tư); tiết giảm chi phí sản xuất (31%); tiếp cận công nghệ nguồn, nguyên liệu; tránh rào cản thương mại và đầu tư kết hợp phát triển thương mại. Ngoài ra, gần đây có xu hướng các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư để đón đầu các ưu đãi về thuế quan khi các nước ASEAN tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mục tiêu gia công – xuất khẩu.

Xét trên khía cạnh này, với việc hai nước đã ký FTA song phương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết, Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thì Việt Nam là thị trường rộng mở cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Lợi tứ bề, bởi Việt Nam không chỉ có chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển, giá nhân công cạnh tranh, nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là thị trường “gốc” để từ đây, hàng hóa của các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể lan tỏa sang các thị trường khác trong khu vực, cũng như các đối tác thương mại khác của Việt Nam.

Theo Nguyên Đức - Báo Đầu tư