FDI và chuyện phát triển bền vững
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh, với gần 7 tỷ USD. Nhưng song trùng với việc các dự án đầu tư ngày càng được triển khai nhiều, chuyện phát triển bền vững lại một lần nữa được đặt ra.
Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây, tính đến ngày 20/4/4026, cả nước đã thu hút được 697 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,082 tỷ USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 314 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1,8 tỷ USD.
Như vậy, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, đạt gần 6,887 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Cùng xu hướng tích cực đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Những con số thống kê trên cho thấy, đúng như dự đoán, vốn FDI đã đổ mạnh vào Việt Nam sau những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam, cũng như sau những cơ hội được tạo ra do việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – EU…
Cũng theo dự báo, trong xu thế này, vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam. Chỉ cần tính một dự án trị giá 1,5 tỷ USD chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (OLED), mà Hải Phòng và Tập đoàn LG vừa ký biên bản ghi nhớ về việc thực hiện hồi đầu tháng 4/2016, đã có thể nâng tốc độ tăng FDI vào Việt Nam lên cao thêm nữa.
Theo kế hoạch, LG Display sẽ được triển khai vào giữa năm nay, nhằm trở thành dự án hàng đầu và kiểu mẫu tại Hải Phòng, như lời ông Cheoldong Jeong, Tổng giám đốc sản xuất Tập đoàn LG Display đã nói.
Chuyện phát triển bền vững
Những thông tin về số vốn FDI khủng đầu tư vào Việt Nam được công bố vào đúng thời điểm cao trào của vụ việc cá chết hàng loạt dọc ven biển miền Trung. Và dư luận vẫn đang hướng vào Formosa, dự án liên hợp thép hiện có vốn đầu tư lên đến trên 10 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), như tác nhân gây nên tình trạng này.
Thực tế cho tới giờ, tất cả mới chỉ là suy đoán. Trong cuộc họp báo vào chiều tối ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ dè dặt thông báo: “Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này”.
Việc quy trách nhiệm cho ai chắc chắn sẽ được xem xét một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, dù lỗi có thuộc về Formosa hay không, thì câu chuyện này một lần nữa cũng cần đặt ra vấn đề về thu hút FDI và phát triển bền vững.
FDI là cần thiết, nhưng lại không phải là một sự bắt buộc đối với các quốc gia. Và vì thế, cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, điều quan trọng không kém là Chính phủ và chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền địa phương phải biết lựa chọn đối tác, dự án phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước.
“Những dự án không mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế – xã hội bao nhiêu mà lại gây ô nhiễm môi trường thì tốt nhất không nên thu hút đầu tư vào, lợi bất cập hại”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói và cho rằng, những dự án sắt thép, lọc dầu dễ gây ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải được thẩm định, giám sát rất chặt chẽ trong đầu tư.
Tương tự, các dự án dệt nhuộm cũng được cảnh báo. Trong một báo cáo cách đây chưa lâu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng cảnh báo rằng, đang có một làn sóng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, nhưng phần lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam lại đến từ các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây lại không phải là những thị trường có mặt bằng công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực dệt may, do vậy, việc giám sát thiết bị, công nghệ nhập khẩu trong các dự án sản xuất sản phẩm dệt may cần được đặt ra để hạn chế việc chuyên giao công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng sang Việt Nam.
“Phải xây dựng các kế hoạch giám sát môi trường, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp dệt may; thẩm định kỹ dự án đầu tư, nhất là đối với vấn đề công nghệ sử dụng của các dự án trong lĩnh vực này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.
Thực tế, gây ô nhiễm môi trường không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp FDI. Nhưng từ vụ việc của Tungkuang trước đây và ít nhiều từ vụ việc Formosa hiện nay, có thể thấy rằng, hơn lúc nào hết, cần đặt chuyện thu hút FDI bên cạnh vấn đề phát triển bền vững của Việt Nam. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, sẽ dẫn tới những lo ngại, tẩy chay trong việc thu hút nguồn lực quan trọng này.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà sẽ chọn lọc, khuyến khích các dự án có tác động tới phát triển bền vững của đất nước”, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt