Bắc Âu: “Cánh cửa” để Việt Nam tận dụng toàn diện FTA với EU
Trong chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, EU là một trong những đối tác trọng tâm của Việt Nam để phát triển quan hệ thương mại và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ là một biện pháp quan trọng để thực hiện nội dung trên.
Đây là ý kiến của ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công Thương) tại hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, các nguyên tắc và quy định xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển, EU,” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức sáng nay (26/4), tại Hà Nội.
Mặc dù nhấn mạnh đến các đối tác lớn như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan nhưng theo ông Quân, Việt Nam cũng đồng thời triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu để có thể tiếp cận thị trường EU một cách toàn diện.
Đối với Thụy Điển (thuộc khu vực Bắc Âu) lãnh đạo Vụ châu Âu khẳng định sẽ là một đối tác giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa các hoạt động xuất khẩu vào khu vực thị trường EU cũng như để tận dụng và tranh thủ tốt nhất FTA giữa Việt Nam và liên minh châu Âu.
“Thụy Điển coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, khi Hiệp định thương mại Việt Nam-EU có hiệu lực thì doanh nghiệp hai bên có thể nắm bắt được thị trường của nhau và có biện pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại hơn nữa,” ông Quân nói.
Năm 2015 đánh dấu một bước quan trọng đối với Việt Nam khi hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định EVFTA, dự kiến khi có hiệu lực vào năm 2018, hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội trong quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển…
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Camilla Mellander cho biết, hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU không chỉ mang ý nghĩa về cắt giảm thuế quan mà quan trọng hơn là việc bãi bỏ các hàng rào kỹ thuật, điều này sẽ giúp nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo bà Đại sứ, Thụy Điển ngày càng coi trọng vai trò về thương mại của Việt Nam trong khối ASEAN và hội thảo hôm nay là một cơ hội cho các cơ quan chức năng của Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, cũng như nắm được những yêu cầu khi xuất khẩu sang EU và Thụy Điển.
“Việc nắm chắc và đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn của EU sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối so với nhà xuất khẩu đến từ các nước khác,” Bà Camilla Mellander cho hay.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Thụy Điển các mặt hàng: thủy sản; cao su; sản phẩm từ chất dẻo; túi xách, gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may, giày dép các loại… trong khi nhập khẩu từ Thụy Điển chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dược phẩm; điện thoại các loại, và linh kiện….
Tính trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 240 triệu USD và xuất khẩu gần 698 triệu USD sang Thụy Điển, dự kiến, khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam-EU có hiệu lực vào năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt