Đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Những năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề may cho người lao động, góp phần nâng cao tay nghề, giúp cho doanh nghiệp chủ động trong việc đào tạo đúng lĩnh vực, sát với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh triển khai nhiều chương trình, kế hoạch (thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia và nguồn vốn của tỉnh), nhằm hỗ trợ đào tạo tay nghề lao động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may công nghiệp. Đây là sự hỗ trợ rất cần thiết và kịp thời, giúp các doanh nghiệp giảm bớt kinh phí đào tạo, nhân lực, đồng thời mở ra cơ hội cho lực lượng lao động, nhất là lao động tại khu vực nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Cùng với các địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực dệt may, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực may mặc của tỉnh những năm qua luôn có mức tăng trưởng cao trong các ngành hàng xuất khẩu; với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở may mặc, duy trì việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh các doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn đã và đang đầu tư, hoạt động ổn định tại các khu công nghiệp lớn của tỉnh, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang chuyển hướng đầu tư sản xuất về khu vực nông thôn, vừa để giảm bớt chi phí thuê nhà xưởng, kho bãi, vừa tận dụng những thuận lợi về nguồn cung lao động nông thôn. Công tác đào tạo và truyền nghề may công nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ngày càng quan trọng, góp phần duy trì sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động khuyến công, hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát, nắm bắt tình hình nguồn lao động ở các địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp may. Trong năm 2015, Trung tâm đã hỗ trợ mở 5 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 2 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc là Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hải Đăng, đóng trên địa bàn xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường) và Doanh nghiệp tư nhân may Hồng Phương, đóng trên địa bàn thôn Trung Thành, xã Định Trung (thành phố Vĩnh Yên). Trung bình, mỗi lớp học có từ 30 – 35 người tham gia, chủ yếu là phụ nữ, thanh niên trong độ tuổi lao động tại địa phương; thời gian học 3 tháng với mức hỗ trợ trích từ nguồn kinh phí khuyến công đối với mỗi học viên là 500 nghìn đồng/tháng.
Đồng chí Phan Xuân Trường, Trưởng Phòng Khuyến công – Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết: “Nếu như trước đây, hầu hết công nhân vào làm việc tại các doanh nghiệp dệt may đều là lao động phổ thông, chỉ có số ít có kinh nghiệm, còn lại đều chưa qua các lớp đào tạo nên tay nghề còn hạn chế. Bởi vậy, khi tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp may phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để tự đào tạo hoặc thuê giảng viên về dạy. Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công của Nhà nước, chất lượng hoạt động đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân dệt may được nâng lên đáng kể và đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn luôn chủ động và bố trí được nguồn vốn dành cho hoạt động đào tạo nghề cho nhân công. Còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa thì gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này. Đấy là chưa kể, những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành hàng may mặc tác động không nhỏ đến việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặc dù mới đi vào hoạt động chính thức từ năm 2011 nhưng đến nay, Doanh nghiệp tư nhân may Hồng Phương (thành phố Vĩnh Yên) đã từng bước khẳng định được chỗ đứng của đơn vị trong lĩnh vực may công nghiệp. Từ chỗ nguồn vốn ban đầu chỉ có 200 triệu đồng với vài chục nhân công, tay nghề ở mức trung bình và phổ thông. Sau 5 năm duy trì sản xuất kinh doanh, đến nay, doanh nghiệp đã thu hút 130 công nhân lành nghề, mức vốn điều lệ tăng lên hơn 2 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng từng bước tập trung nguồn vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại hoàn toàn được nhập từ nước ngoài, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm may mặc xuất khẩu. Đến nay, doanh nghiệp có 120 máy may công nghiệp, 3 dây chuyền cắt và 5 cầu là hơi, chủ yếu là các loại máy may có chất lượng, được nhập khẩu từ Nhật Bản như: Yamato, Unicorn… Chủ yếu đảm nhiệm các công đoạn hoàn thiện sản phẩm cho Công ty TNHH Việt Thiên (Vĩnh Tường), trung bình mỗi tháng doanh nghiệp Hồng Phương nhận từ 3 – 4 đơn hàng may xuất khẩu, mỗi đơn hàng số lượng lên tới vài chục nghìn sản phẩm. Nhờ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và có sự tăng trưởng ổn định nên mức lương của người lao động tại doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, trung bình từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thu Lan, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân may Hồng Phương chia sẻ: “Đối với đội ngũ công nhân, ngoài chăm lo đầy đủ các chế độ, quyền lợi như: Bảo hiểm, chế độ thưởng đối với công nhân đạt năng suất lao động cao, thưởng chuyên cần, chế độ ăn tăng ca, hỗ trợ một phần xăng xe… Doanh nghiệp chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động. Bởi lẽ, tay nghề của công nhân có được nâng cao thì mới mang lại hiệu quả và năng suất lao động cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng của các đơn hàng xuất khẩu”. Với việc được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc hỗ trợ tổ chức 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp trong năm 2015, đã giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân công có chất lượng cao, giảm tối đa chi phí đào tạo lao động đầu vào và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Người lao động sau khi qua đào tạo nghề đều nắm bắt được các kiến thức cơ bản về máy may công nghiệp, thao tác thành thạo trên các loại máy may thông dụng, được truyền đạt các kỹ thuật may công nghiệp cũng như vận hành và xử lý các sự cố nhỏ trong quá trình lao động.
Có thể nói sự hỗ trợ kịp thời trong công tác đào tạo nghề cho các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ nét và thiết thực, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận với nghề một cách nhanh chóng; đồng thời, góp phần quan trọng vào công tác giải quyết việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững, giúp các địa phương trong tỉnh sớm hoàn thành tiêu chí cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh