Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh
Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Thông tin được đưa ra tại Lễ công bố “Kết quả Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam 2015” diễn ra sáng ngày 23/2/2016
Theo kết quả khảo sát, có hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tự tại Việt Nam khẳng định có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng. Đây là tỷ lệ gần như cao nhất trong các quốc gia được khảo sát.
Điều này có thể được lý giải khi các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, dù còn nhiều rủi ro trong môi trường đầu tư, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những lợi thế riêng của mình trong thu hút đầu tư như tình hình chính trị xã hội ổn định và chi phí nhân công rẻ.
Trong thời gian tới đây, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang được các doanh nghiệp Nhật Bản đặt rất nhiều kỳ vọng, đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành và Hiệp định TPP được ký kết. Theo khảo sát, kỳ vọng lớn nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản qua việc Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời là sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hải quan, có tới 64% doanh nghiệp Nhật Bản đang kỳ vọng vào điều này.
Tiếp đó là tỷ lệ lớn các doanh nghiệp kỳ vọng vào việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu và chính sách thuế được cải thiện. Riêng đối với Hiệp định TPP, 66% các doanh nghiệp Nhật Bản đặt kỳ vọng cao sẽ giúp thuận lợi hóa thương mại và thuế quan, đứng đầu trong các nước là đối tuợng của khảo sát .
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát được công bố, Việt Nam đã tăng điểm ở 4 trong 5 hạng mục hàng đầu về rủi ro môi trường đầu tư (hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính, thủ tục thuế, cơ sở hạ tầng) so với năm ngoái. Trên 60% số doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện và vận hành thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, hơn một nửa số doanh nghiệp nhận định vấn đề rủi ro trong đầu tư nằm ở thủ tục hành chính và thủ tục thuế phức tạp, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém.
Theo ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, kết quả này cho thấy, dù Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực và có nhiều hành động cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua, nhưng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, họ vẫn chưa thấy được kết quả thực sự từ những cải cách đem lại. Điều này như một lời cảnh báo cho Chính phủ Việt Nam khi mà hiệu quả từ việc cải cách đem lại còn rất thấp.
Ngay bản thân Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi trao đổi về kết quả này với JETRO cũng thừa nhận, dù các bộ ngành đã hết sức nỗ lực trong thời gian qua, các văn bản luật cũng đã được ban hành, tuy nhiên trong khâu thực thi vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.
Đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Kawada Atsusuke hi vọng rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam để mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần tạo công ăn việc làm và gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp.
Số liệu Jetro cho thấy, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn duy trì số lượng dự án nhiều nhưng vốn đầu tư giảm đi, năm 2015 chỉ đạt 1,285 tỷ USD, trong khi năm 2014 là 1,337 tỷ USD
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt