Nhận diện vị thế của Việt Nam trong AEC
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã bắt đầu hoạt động và việc nhận diện được vị trí, vị thế của Việt Nam trong AEC là rất cần thiết.
Việt Nam có diện tích thứ 4 (sau Indonesia, Myanmar, Thái Lan); dân số đứng thứ 3 (sau Indonesia, Philippines), mật độ dân số đạt 277 người/km2 (đứng thứ 3 sau Singapore, Philippines) và GDP năm 2015 đạt khoảng 193,4 tỷ USD (đứng thứ 6 sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines).
Việt Nam có tỷ trọng kinh tế thực (gồm 2 nhóm ngành sản xuất vật chất là nông, lâm nghiệp – thủy sản và công nghiệp – xây dựng) trong GDP đạt trên 50%, (sau Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào), cao hơn Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan. Điều này có một phần do Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang cấp độ cao hơn. Cần lưu ý, năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp: lao động làm nông nghiệp chủ yếu là lấy công làm lãi; lao động làm công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp; lao động làm dịch vụ chưa có tính chuyên nghiệp, còn kiêm nhiệm nhiều và buôn bán thuần túy.
Kinh tế Việt Nam có độ mở khá cao, tỷ lệ xuất khẩu/GDP lớn và tăng nhanh (từ dưới 50% năm 2002 lên 83,9% năm 2015), cao thứ 2 sau Singapore. Xuất khẩu bình quân đầu người thuộc loại tương đối cao (chỉ sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei). Tuy nhiên, tính gia công lắp ráp cao, phụ thuộc vào nhập khẩu, thị phần xuất khẩu chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Dung lượng thị trường trong nước lớn (xấp xỉ 150 tỷ USD), nhưng chất lượng thị trường thấp; một số hàng hóa, dịch vụ giá cả chưa theo giá thị trường.
Bất bình đẳng giới của Việt Nam thuộc loại thấp (chỉ cao hơn Singapore và Malaysia), còn thấp xa so với các nước còn lại.
Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam còn thấp về một số mặt quan trọng.
Mật độ dân số của Việt Nam thuộc loại cao. Đây là một hạn chế cho nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người, đặc biệt tạo ra những gánh nặng về hạ tầng cơ sở, về nhiều chỉ tiêu xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở…).
Tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam thuộc loại thấp (chỉ cao hơn Campuchia, Đông Timor, Myanmar), thấp hơn cả Lào, thấp xa so với Thái Lan (47%), Indonesia (50%), Philippines (63%), Malaysia (71%), Brunei (76%), Singapore (100%). Đây là một trong những tiêu chí của một nước công nghiệp mà Việt Nam còn đạt thấp; điều quan trọng hơn là phương thức đô thị hóa (ly nông bất ly hương) và chất lượng đô thị hóa (cơ sở hạ tầng, phong cách sống công nghiệp…).
Việt Nam có tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm thời kỳ 2010-2015 cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên đó chủ yếu do CPI năm 2011 cao (18,13%), còn năm 2014 và 2015, CPI của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua và thuộc loại thấp so với các nước, kể cả các nước có nền kinh tế phát triển, có nhiều năm phát triển kinh tế thị trường.
Tốc độ tăng GDP bình quân năm trong giai đoạn 2011 – 2015 của Việt Nam còn thấp hơn cả các nước như Đông Timor, Lào, Campuchia… Mặc dù năm 2014 và năm 2015 đã cao lên, nhưng tính bình quân giai đoạn 2011 – 2015 lại thấp hơn 5 năm trước đó, đồng thời thấp hơn yêu cầu chống tụt hậu xa hơn và dự kiến không đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng khá, nhưng khoảng cách mức tuyệt đối so với các nước vẫn còn lớn và doãng ra.
Xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về năng lực cạnh tranh còn thấp khá xa so với 5 nước đầu trong ASEAN.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp so với nhiều nước, khi tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp. Trước thực trạng của nền kinh tế như vậy, Việc Nam đang nỗ lực bằng mọi cách để phấn đấu đưa tỷ trọng đóng góp của TFP bình quân 5 năm lên đến 33,39% – vượt mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Dẫu vậy, hiệu quả đầu tư lại rất thấp, khi hệ số ICOR năm 2015 lên tới 6,88 lần và bình quân giai đoạn 2011-2015 là 6,91 lần – tuy thấp hơn mức 6,96 lần của thời kỳ 2006 – 2010, nhưng cao hơn nhiều so với hệ số 4,88 lần của thời kỳ 2001-2005. Hệ số này trong thời kỳ 2011 – 2013 của Trung Quốc là 6,4 lần, Malaysia là 5,4 lần, Indonesia là 4,64 lần, Philippines là 4,1 lần và Lào là 2,59 lần.n
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt