Thứ Năm, 14/01/2016 15:56:16 (GMT+7)

Tận dụng cơ hội tăng trưởng và cải cách khi hội nhập

(Chinhphu.vn) – Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh cải cách ở Việt Nam. Các doanh nghiệp thay vì kinh doanh theo lối mòn, cần chủ động, tích cực hơn trong việc thích nghi với hội nhập.

Tận dụng cơ hội tăng trưởng và cải cách khi hội nhập

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là một nội dung mà các chuyên gia kinh tế trao đổi tại hội thảo “Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2015, cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” do Ban Kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 13/1.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu sẽ giúp Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực, phát triển dịch vụ, đổi mới cơ cấu nền kinh tế. Thực tế, đây cũng đều là các thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam.

Để hội nhập tích cực, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga cho rằng, Việt Nam cần sớm giải quyết các thách thức gặp phải là giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước; sức ép cải cách thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ chưa cao.

Có cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) kiêm Giám đốc Trường đào tạo Ngân hàng BIDV cho biết, Việt Nam được lợi nhiều khi tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cũng sẽ có không ít thách thức. Các ngành có thể hưởng lợi từ TPP là dệt may, thủy sản, cơ sở hạ tầng, logistics, bất động sản, sản phẩm thép và gỗ, dược phẩm, đầu tư công. Các ngành gặp khó khăn là ô tô, thịt lợn, thịt bò, đường còn các ngành bị tác động cạnh tranh quyết liệt là hóa phẩm tiêu dùng, thực phẩm…

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần hoàn thiện thể chế trong nước trên 3 góc độ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập TPP, đó là: Pháp luật, tổ chức bộ máy, con người. TS. Hùng nhấn mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp-chăn nuôi sẽ có sự cạnh tranh rất quyết liệt, do đó cần có sự tổ chức, tái cơ cấu lại để sẵn sàng đứng vững trên sân nhà.

Thay đổi tư duy để phù hợp với hội nhập

Phân tích về hiện trạng “sức khỏe” nền kinh tế trước thềm hội nhập, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, nền kinh tế năm 2015 có những phục hồi rõ nét.

Trong đó, dù kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng GDP vẫn đạt mức 6,68%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đưa quy mô kinh tế lên mức 204 tỉ USD. Yếu tố đóng góp chính đó là tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tiêu dùng cuối cùng. Một điểm sáng đáng chú ý là đó là lạm phát đã được kiểm soát và giữ ở mức thấp (0,63%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát là tối đa 5%.  Cán cân thanh toán  tương đối ổn định, lãi suất ngân hàng giảm mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn có những vấn đề cần phải khắc phục như: Nền kinh tế, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), thâm hụt ngân sách tăng nhanh, nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để…Tuy các con số tăng trưởng khá khả quan nhưng thực tế, Việt Nam vẫn còn thiếu động lực cơ bản để tăng trưởng bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn chưa vươn lên được mức cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Tô Trung Thành cho rằng, trong năm 2016, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng gia tăng nhờ các quốc gia phát triển bao gồm cả Hoa Kỳ.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ dịch chuyển từ các nước ở khu vực nền kinh tế mới nổi và có thể Việt Nam là một lựa chọn đầu tư mới sáng giá. Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó khu vực FDI đóng vai trò quan trọng.

Do đó, ông Thành cho rằng, bên cạnh đón nhận nguồn vốn FDI vào Việt Nam với mục đích tận dụng nhân công giá rẻ và gia công, cần quyết liệt hơn trong việc hướng vào các ngành có giá trị giá tăng cao. Cần tận dụng xu thế chung hiện nay trong quá trình cơ cấu lại chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có việc chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, tranh thủ nhanh chóng nắm bắt cơ hội nhận chuyển giao công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh khi hội nhập.

Theo ông Tô Trung Thành, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải được thực hiện quyết liệt hơn. Cần coi kinh tế tư nhân là động lực cơ bản nhằm tạo ra những bứt phá trong nền kinh tế, cần có những doanh nghiệp tư nhân mạnh đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần chú ý sẵn sàng hơn với các thách thức vì hàng rào thuế quan được gỡ bỏ sẽ đi kèm với hàng rào kĩ thuật khắt khe hơn. Các doanh nghiệp cần sẵn sàng nhận thức thích nghi với các hàng rào kỹ thuật, cần xây dựng chiến lược kinh doanh từ ngắn cho tới dài hạn. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cạnh tranh dựa nhiều vào giá rẻ, một khi TPP đi vào thực hiện thì các lợi thế này sẽ bị xóa bỏ. Thay vì đối đầu trực tiếp, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thêm các thị trường ngách, khai phá các mảng thị trường nhỏ, ít đối thủ cạnh tranh hơn.

Theo Huy Thắng - VGP News