Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp tỉnh Vĩnh Phúc năm 2015
Việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư, chăm sóc các nhà đầu tư hiện hữu thông qua các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời đã khiến hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ năm 2015 nâng cao rõ rệt.
Năm 2015, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp của địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp không ít khó khăn, môi trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, là năm có rất nhiều văn bản luật liên quan đến đầu tư sửa đổi và có hiệu lực. Tác động lớn nhất là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 có hiệu lực từ 01/7/2015. Khi các văn bản luật có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn ban hành rất chậm gây nên sự lúng túng trong công tác quản lý nhà nước và băn khoăn, do dự của nhà đầu tư, đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh.
Khó khăn là vậy nhưng năm 2015 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tính đến hết tháng 12 năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp mới giấy phép đầu tư cho 30 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 269,48 triệu USD; cấp chứng nhận điều chỉnh tăng vốn cho 26 lượt dự án FDI với số vốn tăng thêm là 197,15 triệu USD. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm trong năm 2015 (cả mới và bổ sung vốn) là 466,62 triệu USD (đạt 2,33 lần so với kế hoạch đề ra).
Việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư, chăm sóc các nhà đầu tư hiện hữu thông qua các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời đã khiến hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ năm 2015 nâng cao rõ rệt. Tổng số vốn đầu tư tăng thêm từ các dự án hiện hữu bằng 73% số vốn đầu tư thu hút mới. Đặc biệt có doanh nghiệp thực hiện tăng vốn đầu tư đến 3 lần trong cùng một năm như Công ty TNHH Partron Vina (HQ) với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 25 triệu USD, Công ty TNHH BH Flex Vina (HQ) tăng vốn 2 lần với tổng số vốn đầu tư tăng thêm xấp xỉ 33,7 triệu USD và Công ty TNHH Heasung Vina (HQ) tăng vốn đầu tư 36 triệu USD. Một số doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cũng đã giới thiệu công ty bạn, công ty đối tác tới đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Không chỉ quan tâm đến công tác thu hút FDI, tỉnh Vĩnh Phúc còn đặc biệt chú trọng tranh thủ nguồn lực trong nước. Thu hút DDI trên địa bàn tỉnh cũng đã thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2015, tỉnh đã cấp mới giấy phép đầu tư cho 44 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 9.138,2 tỷ đồng; cấp chứng nhận điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án DDI với tổng số vốn tăng 333,25 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp trong nước tăng thêm 9.471,66 tỷ đồng (đạt 1,89 lần so với so với kế hoạch đề ra).
Năm 2015 các dự án đầu tư trực tiếp không chỉ tăng về lượng mà cả về chất. Các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí, thương mại, dịch vụ, du lịch. Ngoài ra năm 2015 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án hạ tầng khu công nghiệp cho một số công ty có uy tín và kinh nghiệm trong kinh doanh hạ tầng KCN như: Tập đoàn Sumitomo đầu tư KCN Thăng long Vĩnh Phúc; Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư KCN Chấn Hưng và Tam Dương II-Khu B; Công ty An Thịnh làm chủ đầu tư KCN Sơn Lôi… Sau khi hạ tầng các KCN này hoàn thiện, các chủ đầu tư cùng với tỉnh sẽ nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp này, thu hút đầu tư tại Vĩnh Phúc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2015 tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiên quyết thanh lọc các dự án đầu tư sau một thời gian dài triển khai không đúng quy định để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực đầu tư. Cả năm tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 7 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 303,41 triệu USD và 14 dự án DDI với tổng số vốn đầu tư 3.584,71 tỷ đồng như: Dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động của Công ty TNHH Công nghệ Kỹ thuật cao Foxconn Việt Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện do Công ty TNHH Quản lý & Phát triển hạ tầng Compal Việt Nam (Đài Loan) làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký 76,5 triệu USD; dự án xây dựng trường Đại học Dầu khí phải thu hồi do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không đầu tư ngoài ngành, vốn 2030 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 205 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.252,31 triệu USD, 601 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 44.023,61 tỷ VND.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh