Phòng rủi ro tỷ giá trước cơ chế điều hành tỷ giá mới
Sau khi Ngân hàng Nhà nước vận hành cơ chế điều hành tỷ giá mới (từ ngày 4/1), thị trường đã có những phản ứng lạc quan. Dù vậy, với tỷ giá trung tâm lên xuống hàng ngày, cả doanh nghiệp và ngân hàng sẽ phải thay đổi cách hành xử với tỷ giá để giảm thiểu rủi ro.
Thị trường phản ứng tích cực
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về giao dịch ngoại tệ ngày đầu tiên sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho hay: “Sáng 4/1, giao dịch ngoại tệ tại Agribank tăng lên một chút, nhưng đến chiều đã trở lại bình thường, tổng giao dịch trong ngày không có nhiều biến động so với trước. Tỷ giá giao dịch tại Agribank vẫn cách xa trần”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Phượng, trước khi triển khai cơ chế mới, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi hai chiều với các ngân hàng thương mại để có sự chuẩn bị chu đáo, nên các ngân hàng không gặp vướng mắc trong triển khai.
Tương tự, theo thông tin của ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, tâm lý thị trường rất tích cực trong ngày đầu áp dụng cơ chế tỷ giá mới. “Lượng giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngày đầu tiên vận hành cơ chế mới rất thông suốt, thanh khoản tốt. Khách hàng tỏ ra phấn khởi vì cơ chế mới tạo sự linh hoạt cần thiết, giúp doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chủ động hơn”, ông Thọ cho hay.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tuy tỷ giá trung tâm ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công bố cao hơn 6 đồng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 31/12/2015, song thanh khoản toàn hệ thống diễn ra bình thường, nhu cầu của khách hàng được đáp ứng đầy đủ và giá ngoại tệ bán ra tại các ngân hàng vẫn thấp hơn trần cho phép.
Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam. Biên độ biến động tỷ giá vẫn là +/-3%.
Đặc biệt, với cơ chế tỷ giá lên xuống theo ngày, việc dự đoán tỷ giá hết sức khó khăn, nên tâm lý đầu cơ, găm giữ sẽ giảm bớt.
Nhờ phao “phái sinh” để ngừa rủi ro tỷ giá
Với cơ chế tỷ giá lên xuống theo ngày, nhiều người lo ngại, tỷ giá thời gian tới sẽ biến động mạnh, vượt ngoài dự tính của doanh nghiệp. Tuy vậy, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mục tiêu cao nhất của chính sách tiền tệ là ổn định thị trường ngoại hối, ổn định vĩ mô, vì vậy, tỷ giá sẽ không biến động lớn trong thời gian tới.
“Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tỷ giá không biến động quá lớn và có đủ biện pháp để thực hiện điều đó”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cam kết.
Đặc biệt, điểm mới của cơ chế điều hành tỷ giá này là, Ngân hàng Nhà nước có thêm công cụ phái sinh trong giao dịch với các ngân hàng thương mại, thay vì chỉ giao ngay như trước. Công cụ này không đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và cũng thông qua đó gửi thông điệp tỷ giá tới thị trường.
Ông Bùi Quốc Dũng tiết lộ, Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng với giá cao hơn 1% so với tỷ giá hối đoái tại thời điểm 31/12/2015. Điều này có thể ngầm hiểu rằng, tỷ giá từ nay đến hết tháng 3/2016 sẽ không tăng vượt quá 1%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các ngân hàng được hủy hợp đồng phái sinh giữa chừng. Theo đó, khi tỷ giá USD trên thị trường xuống thấp hơn so với giá USD mà Ngân hàng Nhà nước bán ra, các tổ chức tín dụng có thể mua USD trên thị trường để bù đắp thanh khoản, thay vì nhờ đến sự cứu viện của Ngân hàng Nhà nước.
Riêng với doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng, cơ chế tỷ giá mới linh hoạt hơn, thị trường hơn, giúp cung – cầu thị trường thông suốt, nên việc mua – bán ngoại tệ sẽ thuận lợi hơn. Hơn nữa, với cơ chế mới, mức biến động tỷ giá sẽ nhỏ hơn và không gây sốc cho doanh nghiệp như trước.
Dù cam kết tỷ giá không biến động mạnh thời gian tới, song Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên sử dụng các sản phẩm phái sinh trong giao dịch ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro.
Ông Lê Đức Thọ cho rằng, cơ chế tỷ giá mới sẽ giúp việc mua bán ngoại tệ có kỳ hạn tăng mạnh hơn, giúp thị trường ngoại tệ Việt Nam hoạt động lành mạnh hơn, tiệm cận nhanh hơn thị trường tài chính quốc tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trước đây, doanh số giao dịch sản phẩm ngoại tệ kỳ hạn chỉ khoảng 10 triệu USD/ngày. Tuy nhiên, từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng loạt các giải pháp chống đô-la hóa, doanh số giao dịch các sản phẩm kỳ hạn đã tăng lên 100 – 200 triệu USD/ngày.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt