Đề phòng các áp lực lên tăng trưởng kinh tế trong năm 2016
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, thương mại thế giới trong năm 2016 được dự báo sẽ thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam do khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự báo tăng khá hơn từ 3% năm 2015 lên 3,9% trong khi giá hàng hóa mặc dù dự báo tiếp tục giảm nhưng với mức độ thấp hơn năm 2015 giúp làm giảm lạm phát các nước.
Dự báo trong năm 2016 tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện so với năm 2015, tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng mức độ cải thiện sẽ thấp hơn năm 2015, đạt mức 6,7-6,8% do chính sách kinh tế vẫn cần đề phòng các áp lực từ môi trường kinh tế thế giới đối với lãi suất và tỷ giá cũng như áp lực nợ công trong nước.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, thương mại thế giới trong năm 2016 được dự báo sẽ thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam do khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự báo tăng khá hơn từ 3% năm 2015 lên 3,9% trong khi giá hàng hóa mặc dù dự báo tiếp tục giảm nhưng với mức độ thấp hơn năm 2015 giúp làm giảm lạm phát các nước.
Nhưng ở chiều không thuận, ngoại trừ Mỹ đã bắt đầu từng bước tăng lãi suất, hầu hết các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng làm đồng tiền nhiều nước trên thế giới đã mất giá so với USD và xu hướng này được dự báo tiếp tục trong thời gian tới. Việt Nam sẽ phần nào chịu tác động từ xu hướng này, thể hiện ở giá hàng hóa bị kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nhìn nhận các thuận lợi cũng như khó khăn sắp tới, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng năm 2016 với mục tiêu xác định là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015 cần phải đánh giá toàn diện các yếu tố.
Trước hết, lạm phát và giá hàng hóa thế giới được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2016 giúp giảm giá hàng hóa tiêu dùng cũng như chi phí sản xuất trong nước. Tuy nhiên theo Ủy ban Giám sát Tài chính, mức giảm giá hàng hóa thế giới được dự báo thấp hơn trong năm 2015, do đó, khoảng cách lạm phát và làm phát cơ bản sẽ không lớn như trong năm 2015.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định trong 3 năm gần đây (2013-2015) giúp ổn định tâm lý lạm phát của dân chúng.
Trong khi đó, tổng cầu năm 2016 có phần tăng khá hơn năm 2015 qua đó tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, theo tính toán, mức tăng không lớn và trong phạm vi kiểm soát, ngay cả khi tính đến tác động của tăng lương công chức trong năm 2016.
Tổng hợp các yếu tố trên và chưa tính đến việc điều chỉnh chính sách về giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở mức khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, khoảng 2-3%.
Như vậy, so với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự tính, 1% tăng lên của tỷ giá sẽ làm tăng lạm phát 0,06-0,1 điểm phần trăm. Mức tác động này thấp hơn ở thời kỳ lạm phát cao khi tâm lý lạm phát của dân chúng thiếu ổn định (thời kỳ này mức tăng thêm 0,3-0,4 điểm phần trăm)
Dự báo về cân đối ngoại tệ và tỷ giá năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, sẽ có sức ép về tỷ giá mạnh hơn năm 2015. Dự báo này dựa trên phân tích những thuận lợi và khó khăn xảy ra trong năm 2016. Các thuận lợi là giải ngân đầu tư nước ngoài ước tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2015; đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán sẽ tăng do tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nâng lên theo quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP và hoạt động M&A (Mua bán và Sáp nhập) được đẩy mạnh. Thêm nữa, lượng kiều hối dự báo sẽ tăng lên 14 tỷ USD, tăng thêm 1 tỷ USD so với ước đạt trong năm 2015.
Cùng với đó Chính phủ đã có kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Mặc dù vậy, những nhân tố không thuận cho cán cân thanh toán của năm 2016 đó là nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm ngoái và tăng nhanh hơn xuất khẩu.
Nguyên nhân là đầu tư tăng làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và tăng trưởng cải thiện cũng làm tăng sức mua của dân chúng đối với hàng nhập khẩu. Mức nhâp siêu trong năm 2016 được dự đoán khoảng 4 tỷ USD, so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD của năm 2015.
Một yếu tố không thuận nữa là xu hướng mất giá (so với đô la Mỹ) của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá.
Do đó, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, với sức ép về tỷ giá mạnh hơn năm 2015 có thể xảy ra đòi hỏi các chính sách của Chính phủ cần phải linh hoạt, thận trọng đồng thời chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại.
Về vấn đề lãi suất, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, năm 2016, lãi suất sẽ chịu sức ép từ nhiều yếu tố. Đó là lạm phát tăng làm tăng kỳ vọng của dân chúng, qua đó gây áp lực làm tăng lãi suất huy động.
Cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu không giảm. Xu hướng tăng lãi suất USD trên thị trường thế giới thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ điều này làm hạn chế khả năng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá…
Nhìn nhận mối liên hệ ngân sách và nợ công trong năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng đây sẽ tiếp tục là năm áp lực trong cân đối thu chi ngân sách.
Năm 2016, dự báo thu Ngân sách Nhà nước có thể đạt dự toán do kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, sản xuất kinh doanh cải thiện, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước cũng đối diện với một số khó khăn làm giảm nguồn thu.
Cụ thể là giá dầu thế giới năm 2016 được dự báo có thể tiếp tục giảm xuống dưới 40 USD/thùng; tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế suất theo cam kết quốc tế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước vẫn phải duy trì để đảm bảo chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh xã hội.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng chỉ ra, năm 2016 quy mô nợ công và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước dự báo tiếp tục tăng so với năm 2015 do phát hành trái phiếu 3 tỷ USD để tái cơ cấu nợ trong nước đến hạn, tăng giải ngân ODA để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho tăng trưởng.
Trước các áp lực từ môi trường kinh tế giới cũng như những tồn tại từ nội lực trong năm 2016, Chính phủ đã đề ra 9 nhóm giải pháp để ứng phó nhằm đạt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, đáng chú ý vào các giải pháp: tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt