Thứ Ba, 22/12/2015 7:48:56 (GMT+7)

Đầu tư công sẽ tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển

Đầu tư công sẽ tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển

Một nghiên cứu vừa được Tổ chức ActionAid và Ciem công bố cho thấy thực tế đáng lo của đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Ngày 18/12, Tổ chức ActionAid tại Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố nghiên cứu “Đầu tư công cho nông nghiệp ở cấp hộ gia đình liên hệ tới An ninh lương thực”.

Công bố báo cáo trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sức ép tái cơ cấu nền nông nghiệp, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban chính sách Kinh tế vĩ mô, CIEM cho rằng, FTA tạo nên động lực cho ngành nông nghiệp phát triển, nhưng để động lực này trở thành hiện thực, cần có mộ đòn bẩy. Đòn bẩy đó chính là đầu tư công.

“Đầu tư công không chỉ cơ hội kinh tế, động lực phát triển nông thôn mà còn mang lại cơ hội kinh tế, qua đó phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo”, ông Nguyễn Anh Dương nói.

Báo cáo cho thấy, những năm gần đây, tăng trưởng nông nghiệp có chiều hướng giảm do năng suất đến ngưỡng, đầu tư công còn hạn chế. Đặc biệt, trong quá trình phát triển của nông nghiệp, vai trò  của người nông dân nhỏ lẻ chưa được chú ý đúng mức.

Vì vậy, báo cáo nhắm tới mục tiêu đưa ra các kiến nghị nhằm thay đổi tư duy về đầu tư công cho nông nghiệp; phát huy vai trò trung tâm của người nông dân.

Kết quả khảo sát 4 tỉnh của CIEM cho thấy, Chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng số người dân thực sự tiếp cận được các hỗ trợ còn hạn chế. Đơn cử, tỉ lệ người dân biết đến các chương trình, chính sách trợ giá khá cao (47,33%) song số nông hộ nhỏ được hưởng lợi thực sự còn hạn chế (11,39%). Tương tự, với chính sách trợ giá đầu vào hoặc hỗ trợ tín dụng, tỉ lệ nông hộ biết đến rất cao (47,69% và 96,44% tương ứng) nhưng còn khoảng cách khá xa với tỉ lệ hộ tiếp cận được hỗ trợ (11,39% và 65.77%).

Đại diện cho người nông dân và chính quyền địa phương, ông Hồ Công Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long đề nghị, thời gian tới, các chính sách cần hỗ trợ nhiều hơn cho người nông dân, ví dụ chính sách hỗ trợ lãi suất để người dân  đầu tư sản xuất, như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đầu tư kết cấu hạ tầng…

Tại Hội thảo, ông Christopher Kinyanjui, Phó Tổng Giám đốc ActionAid Quốc tế phát biểu“Liên đoàn ActionAid Quốc tế luôn ủng hộ nhà nước có vai trò to lớn trong phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia. Kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo cung cấp thêm thông tin đáng quan tâm về định hướng chiến lược đầu tư nông nghiệp của Việt Nam. Nông hộ sản xuất nhỏ đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững của các quốc gia có nhiều dân số làm nông nghiệp và sống bằng nông nghiệp như Việt Nam và Ấn Độ. Báo cáo đã khẳng định thêm nhu cầu cần cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, chú trọng hơn nữa lợi ích của các hộ nông dân nhỏ, có như vậy thì phát triển kinh tế mới có ý nghĩa cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Theo Báo Đầu tư