Doanh nghiệp “chờ” sự quyết tâm nhiều hơn của ngành thuế, hải quan
Tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp năm 2015, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/11, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh trên thực tế, nhiều thủ tục hành chính sẽ được cải cách và đơn giản hóa chỉ bằng một vài thông tư, nghị định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi nhiều hơn nữa từ sự quyết tâm của ngành thuế và hải quan đối với vấn đề cải cách thủ tục hành chính.
Theo ông Võ Tân Thành, thuế và hải quan là hai lĩnh vực trọng yếu của đất nước và gắn bó chặt chẽ với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Trong các nỗ lực cải cách chung của cả hệ thống chính trị, những cải cách liên quan đến thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phù hợp với yêu cầu của tiến trình hội nhập.
Do đó, những năm gần đây, để đáp ứng các yêu cầu này, ngành thuế và hải quan đã từng bước kiện toàn hệ thống văn bản pháp quy và rà soát cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, hai ngành này cũng tăng cường tham vấn với các cơ quan đại diện doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách thuế và hải quan. Mặc dù vậy, hiện tại nhiều doanh nghiệp cho rằng, những cải cách về thủ tục hành chính trong ngành thuế và hải quan vẫn chưa đạt được như kỳ vọng cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Báo cáo đánh giá của VCCI về hoạt động của ngành thuế vừa công bố cho thấy, trong 2.500 doanh nghiệp thuộc 63 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát có 49% doanh nghiệp cho biết gặp phiền hà về thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, đánh giá về sự chuyển biến của pháp luật thuế trong 5 năm gần đây đối với môi trường kinh doanh, có 92% doanh nghiệp cho biết có sự chuyển biến tích cực hoặc khá tích cực; trong đó, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là hai sắc thuế được nhiều doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện nhiều nhất. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra ba sắc thái có tỷ lệ đánh giá là giảm thời gian thực hiện ít nhất, gồm thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về lĩnh vực hải quan, hầu hết doanh nghiệp đều nhận định rằng ngành này đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết hiện tại các thủ tục hành chính hải quan vẫn còn thiếu sự đồng bộ giữa quy trình thủ tục cũ và mới, nên doanh nghiệp gặp không ít trở ngại khi thực thi những quy trình thủ tục hành chính hải quan. Đơn cử, là chưa có sự thống nhất và tồn tại nhiều thủ tục trong vấn đề hoàn thuế, áp mã hàng hóa, lệ phí trong quá trình thực hiện thủ tục…
Trước những tồn tại và bấp cập trên, cộng đồng doanh nghiệp phía Nam kiến nghị ngành thuế, hải quan, cần quyết tâm hơn trong hoạt động đơn giản thủ tục hành chính, mở rộng các hình thức thông tin về cơ quan hành chính thuế và thủ tục hành chính; trong đó, các vấn đề mà ngành thuế và hải quan nên đẩy mạnh và tập trung triển khai trong thời gian tới là rút ngắn thời gian, công khai minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Tại hội nghị, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định công tác triển khai các luật đến cộng đồng doanh nghiệp được nhiều cục thuế, hải quan thực hiện, nhưng vẫn còn tắc nghẽn và nhiều đơn vị chưa nắm rõ là một trong những nguyên nhân một số chính sách chưa phát huy được hiệu quả.
Nghị quyết số 19/NQ-CP (Nghị quyết 19), ngày 12/3 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Qua thực hiện Nghị quyết 19, ngành thuế và hải quan đã có nhiều cải cách thủ tục hành chính có lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng hai ngành này cần làm nhiều việc hơn nữa trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.
Hiện nay, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai cho 63 tỉnh, thành phố, với trên 506.000 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,95% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng. Tính hết tháng 10/2015, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử là hơn 457.500 doanh nghiệp, đạt trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt