Thứ Hai, 09/11/2015 21:22:03 (GMT+7)

TPP với kinh tế Việt Nam – Cải cách để tương tác mạnh hơn

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nền kinh tế toàn cầu đầy biến động và thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới, cả Chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới nhận thức, học hỏi, sáng tạo và quyết liệt hành động trên nhiều khía cạnh.

TPP với kinh tế Việt Nam – Cải cách để tương tác mạnh hơn

Công ty Dệt Hà Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền se sợi xuất khẩu hiện đại chuẩn bị cho tiến trình hội nhập thực hiện TPP. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, cho rằng về phía các cơ quan nhà nước, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của Hiệp định TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn.

Việt Nam cũng cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế trong khối TPP; đồng thời, việc xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế, thông qua nâng cấp năng lực, công nghệ, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ và hướng tới tăng cho vay cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thực sự, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời phải cải tổ khu vực tài chính. Vì tín dụng của nền kinh tế chủ yếu được huy động từ tiết kiệm của người dân hay mua trái phiếu, tín phiếu nhưng nếu không đến tay doanh nghiệp thì đó là rủi ro lớn của nền kinh tế.

Để giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, khai thác được lợi thế trong thời gian tới, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, các cơ quan hữu quan cần duy trì và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; thường xuyên cập nhật thông tin chính sách vĩ mô, hiệp định thương mại cho doanh nghiệp; công khai, minh bạch thông tin giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội trong kinh doanh và chú trọng cải cách hành chính, đặc biệt cấp địa phương cơ sở.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc cải cách hiện nay của Chính phủ không còn là tự thân như vào đầu những năm 1990, mà đã tương tác mạnh hơn nhiều với tiến trình hội nhập. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, vì vậy khoảng cách giữa đòi hỏi của hội nhập hiện nay và năng lực đáp ứng thực tế của Việt Nam là không hề nhỏ.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay rất cần thông tin và những trao đổi, đối thoại đầy đủ hơn, sâu sắc hơn giữa Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội. Thông tin không chỉ là về TPP, các FTA Việt Nam tham gia và hội nhập nói chung, mà cả về những chính sách, cải cách hiện hành cũng như những thay đổi cần thiết trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, trước tiên cần chủ động tìm hiểu thông tin liên quan về hiệp định TPP, để có thể nắm bắt thông tin về các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình. Từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do TPP mang lại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với các đòi hỏi của quá trình hội nhập TPP; đồng thời các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP, nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.

Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thông tin và tìm hiểu về những tác động của Hiệp định thương mại nhằm tận dụng tốt cơ hội và hạn chế rủi ro, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng tham gia hội nhập.

Cụ thể, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, học quản trị sự bất định cũng như quản trị sự thay đổi hiệu quả. Cùng với đó là đổi mới máy móc thiết bị hoặc đầu tư mở rộng sản xuất theo chiều sâu. Đặc biệt doanh nghiệp tăng cường đầu tư nhân lực, khoa học công nghệ, cũng như vận dụng tối ưu công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhất là doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi; cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng kinh doanh quốc tế.

Theo ông Võ Trí Thành, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần nhạy bén tìm kiếm cơ hội kinh doanh vì cơ hội xuất hiện nhờ xác định đúng năng lực trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị và cả trong nắm bắt sự xuất hiện những lĩnh vực, ngành nghề mới.

Cùng với đó là doanh nghiệp kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh từ giá sang cạnh tranh bằng phi giá. Cạnh tranh không loại trừ việc kết nối trong một thế giới với nhiều mạng sản xuất, chuỗi giá trị, liên kết với công ty đầu đàn, tham gia chuỗi giá trị có thể tăng lợi thế nhờ quy mô, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh, giảm phí tổn kết nối dịch vụ…

Như vậy, để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức thì các đối sách cần có là hết sức quan trọng, nhất là không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Cùng với đó là công khai thông tin, hoàn thiện các tiêu chuẩn về môi trường và lao động, cố gắng thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từng bước mở cửa thị trường mua sắm công, triển khai đồng bộ các giải pháp và sự chủ động, nhanh nhạy của doanh nghiệp sẽ góp phần cho việc tham gia TPP được chủ động và tích cực hơn./.

Theo Phạm Duy Khương - Báo Vietnam+