Những đột phá của đổi mới về tầm nhìn và khát vọng
Mỗi khi chúng ta cải cách, đột phá về cải cách thì nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến hết sức rõ rệt và căn bản. Những cải cách lần này là câu chuyện về những đột phá của đổi mới về tầm nhìn, về khát vọng và đằng sau đó là năng lực của con người Việt Nam, năng lực của doanh nhân Việt Nam, năng lực của các cán bộ làm trong bộ máy quản lý đất nước.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định điều này khi trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ về những mục tiêu, quan điểm phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm tới (2016-2020) được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra nhiệm vụ tổng quát về phát triển kinh tế trong 5 năm tới, trong đó có yếu tố “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững”. Vậy để hài hòa giữa 2 yếu tố “nhanh” và “bền vững”, theo ông chúng ta cần phải làm gì?
Ông Võ Trí Thành: Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững là khát vọng không phải chỉ của Việt Nam mà còn của rất nhiều nước, đặc biệt là những nước đi sau, những nước chậm phát triển, những nước còn đang phát triển. Muốn phát triển nhanh vì mình đi sau, mình muốn bắt kịp, muốn đuổi kịp, muốn vươn lên đi cùng với thời đại, chắc chắn là tốc độ phải nhanh, nếu không thì tụt hậu mãi. Tuy nhiên, yếu tố nhanh phải gắn với ý tưởng phát triển mới.
Về kinh tế, sự bền vững là khi tăng trưởng ấy phải dựa nhiều hơn vào những yếu tố mà thế giới này đang đặt ra và rất cần thiết. Đó là những yếu tố về sáng tạo, năng lực quản lý, yếu tố về vốn con người bên cạnh “đầu vào” vẫn thường có để tạo ra tăng trưởng kinh tế (lao động, đất đai, tài nguyên, tiền vốn…).
Bền vững không chỉ là kinh tế mà phải hài hòa với các vấn đề xã hội và môi trường. Một sự phát triển bảo vệ tài nguyên môi trường, thân thiện với môi trường sẽ khiến xã hội cấu kết hơn, văn minh hơn.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế có hiệu quả hơn, bên cạnh sự hài hòa với môi trường, trong một thế giới hiện nay rất bất định, nền kinh tế Việt Nam càng cần phải có khả năng đề kháng, khả năng chống cự với các cú sốc từ bên ngoài. Làm sao để giảm thiểu và hạn chế rủi ro. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà khi chúng ta mong muốn nền kinh tế của chúng ta, đất nước chúng ta phát triển nhanh và bền vững.
Những năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Vậy làm thế nào để tận dụng được thời cơ, vượt qua những thách thức trong quá trình hội nhập nhằm hướng tới mục tiêu đề ra về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới là 6,5-7%/năm, thưa ông?
Ông Võ Trí Thành: Hội nhập đưa lại hai điểm rất cơ bản để khiến Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Thứ nhất là cơ hội làm ăn với chân trời rộng mở, thị trường rộng mở. Thứ hai, hội nhập tạo điều kiện cho chúng ta có cơ hội học hỏi, tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý để hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp theo những tiêu chuẩn mới gắn với sự phát triển.
Đó là hai điều của hội nhập mang lại và gắn kết rất rõ với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, chúng ta đều biết hội nhập không phải mọi thứ đều tốt đẹp, mọi thứ đều tích cực. Có thể có những cú sốc, có thể có những tác động tiêu cực trong ngắn hạn mà chúng ta không mong muốn. Để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình hội nhập, có rất nhiều việc phải làm.
Bài học lớn nhất của 30 năm đổi mới và những đòi hỏi của giai đoạn sắp tới là hội nhập chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải đủ để chúng ta phát triển nhanh và bền vững.
Muốn phát triển đủ thì chúng ta phải gắn kết hội nhập với cải cách trong nước. Tương tác giữa cải cách trong nước với hội nhập là một quá trình gắn bó, khăng khít với nhau. Cái này vừa là kết quả của cái kia, vừa là chất xúc tác để thúc đẩy lẫn nhau.
Để cải cách trong nước, nhiệm vụ phải xuyên suốt, có tính đột phá mạnh mẽ nhất, là tiếp tục phải đẩy mạnh cải cách thể chế. Có hai khâu rất quan trọng trong cải cách thể chế. Thứ nhất là phải thích ứng với điều kiện mới, phải xây dựng một thị trường đầy đủ, minh bạch, hiện đại; bên cạnh đó là một bộ máy Nhà nước chuyên nghiệp, có khả năng giải trình rất cao và tương tác tốt với thị trường, với xã hội. Thứ hai là tạo cho Việt Nam có năng lực mới: Phát triển khu vực tư nhân, phát triển con người, năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực vượt qua những rủi ro, thách thức có thể có.
Đó là những điều chúng ta rất cần lưu ý trước một bối cảnh mới, một chân trời mới của quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới. Dự thảo lần này cũng nêu lên tồn tại là: Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển. Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Võ Trí Thành: Có thể nói rằng trong một vài năm qua chúng ta càng nhìn nhận rõ hơn cả những thành tựu, những kết quả đạt được và cả những yếu kém, thậm chí là rất yếu kém của nền kinh tế chúng ta. Chính vì chúng ta nhìn nhận đầy đủ những vấn đề ấy, trong đòi hỏi mới của hội nhập, của nền phát triển của thế giới, chúng ta nhận ra rằng phải có bước đột phá về đổi mới, về cải cách.
Đột phá về cải cách ấy chính là tạo dựng cho Việt Nam một cách đi mới, một bước phát triển mới, một cách thức phát triển mới để đảm bảo được phát triển ấy một cách nhanh, bền vững trong so sánh với thời đại, với các quốc gia khác thế giới. Nhiệm vụ trung tâm là thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp và có thể dần đi cùng những văn minh, hiện đại, tốt đẹp của thế giới.
Nếu nhìn nhận như vậy, rõ ràng là thời gian vừa qua chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội. Cơ hội lớn nhất là chúng ta đã chậm cải cách. Mặc dù cải cách diễn ra, nhưng những cải cách có tính đột phá thì giờ chúng ta mới bắt đầu. Đó chính là cái vừa khiến chúng ta lo ngại, vừa là nỗi buồn. Thế nhưng thời gian vẫn là vô tận, vấn đề là tốc độ, và đây là thời điểm mà chúng ta đã nhận ra được rõ những yếu kém của mình và cả những bài học tốt của 30 năm đổi mới. Ba mươi năm ấy, dù còn thiếu sót, nhưng chỉ cần 1 điều là đã chứng minh được thành quả của nó: mỗi khi chúng ta cải cách, đột phá về cải cách thì nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến hết sức rõ rệt và căn bản.
Những cải cách lần này là câu chuyện về những đột phá của đổi mới, về tầm nhìn, về khát vọng và đằng sau đó là năng lực của con người Việt Nam, năng lực của doanh nhân Việt Nam, năng lực của các cán bộ làm trong bộ máy quản lý đất nước.
Xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Là nhiệm vụ trung tâm, theo ông thì việc phát triển kinh tế sẽ phải gắn kết, hài hòa với hai nhiệm vụ còn lại như thế nào?
Ông Võ Trí Thành: Nhiệm vụ kinh tế là trung tâm bởi vì muốn nói gì thì nói, yếu tố phát triển kinh tế với cuộc sống thịnh vượng cho người dân vẫn là một đòi hỏi đau đáu với dân tộc Việt. Tuy nhiên, như chúng ta trao đổi từ đầu, phát triển giờ không chỉ là thu nhập, nó phải phát triển hài hòa với vấn đề xã hội và môi trường. Nếu nhìn tổng thể xuyên suốt đằng sau ba câu chuyện: chính trị, kinh tế và văn hóa thì trung tâm chính là con người, làm gì thì cũng là vì con người và là động lực của sự phát triển.
Nói đến con người không thể tách rời văn hóa. Cá nhân tôi hiểu văn hóa khá là mộc mạc, rất gần với câu chuyện tạo động lực phát triển, đặc biệt là cho sự phát triển của đất nước ta trong những năm tới. Văn hóa bao hàm hai nghĩa cơ bản: sáng tạo và nhân văn. Truyền thống của dân tộc Việt có rất nhiều truyền thống gắn với nhân văn. Con người Việt trong nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là trong những hoàn cảnh đặc biệt, chất linh hoạt ấy lại được gắn với sự bùng nổ về cách thức giải quyết vấn đề, cách thức vượt qua những trở ngại, hiểm nguy.
Nói cho cùng, khi chúng ta đổi mới, đó là những sáng tạo. Vì vậy, sự sáng tạo, nhân văn của chúng ta nếu được phát huy tốt, có môi trường để phát huy tốt thì sẽ gắn với câu chuyện kinh tế. Bởi nếu chúng ta muốn có những nấc thang phát triển kinh tế mới, cách thức phát triển mới, bên cạnh đầu vào (lao động, tài nguyên, đất đai, nguồn vốn…) giờ chúng ta rất cần thêm một thứ cho tăng trưởng bền vững, chất lượng, có khả năng chống chọi với các cú sốc, thì đó chính là sáng tạo. Sự gắn kết này không phải là khẩu hiệu mà đó chính là thực tiễn cho mọi hoạt động trong đời sống xã hội của Viêt Nam. Vì vậy, hiểu được mục tiêu này của Đảng không phải chỉ là câu chuyện ngữ nghĩa mà phải làm sao gắn kết được quá trình cải cách với những đột phá mới. Đằng sau đó vẫn là cải cách vì con người mà con người ấy là con người Việt Nam, có nền văn hóa của mình, có “chất” vừa linh hoạt nhưng vẫn sẵn sàng có thể có những bùng nổ về sáng tạo.
Xin cảm ơn ông!
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt