Hội nghị bàn về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ
Ngày 19/8/2015, tại UBND tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị bàn một số vấn đề về cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới – giao ban hiệp hội doanh nghiệp vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ (Vùng ATK) do UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Tới dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Dương Ngọc Long – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cùng một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên; đồng chí Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vùng trung du miền núi phía Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Long cho biết hội nghị diễn ra không ngoài mục đích kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết vùng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI), hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực hội nhập trong thời kỳ mới… Theo đồng chí Dương Ngọc Long, triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đặc biệt là của đội ngũ cơ sở, kiên quyết xử lý những trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà.
Trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI – đồng chí Vũ Tiến Lộc cho rằng, tháng 3/2015 vừa qua Chính phủ có Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện rất quan trọng đối với nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó đáng chú ý là vấn đề cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa dịch vụ công và phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để đại diện các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp các tỉnh trao đổi, đóng góp ý kiến. Bên cạnh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chỉ số PCI trong công tác điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương; phân tích làm rõ những chỉ tiêu, thành phần nào giảm điểm, còn thấp để có giải pháp nâng cao; các đại biểu còn nêu một số khó khăn vướng mắc trong công tác cải cách thủ tục hành chính; đề xuất tăng thuế đối với một số loại khoáng sản; đề xuất tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với nhập khẩu gia cầm, chống gian lận thương mại;… Đặc biệt là vấn đề liên kết vùng giữa 6 tỉnh trong khu vực gồm (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên) trong cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh được Hội nghị bàn thảo sôi nổi. Trong đó Thái Nguyên được đánh giá rất cao, là tỉnh tiêu biểu trong nỗ lực nâng cao chỉ số PCI thời gian qua, các tỉnh cần chủ động trao đổi, học hỏi để áp dụng tại địa phương.
Dự Hội nghị, Đoàn cán bộ làm công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã lắng nghe và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp về nâng cao thể chế, năng lực cạnh tranh tại Hội nghị không chỉ là cơ sở quan trọng để các tỉnh trong vùng liên kết, đưa vùng phát triển năng động và bền vững trong tương lai mà còn là bài học để tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh