Không để gián đoạn trong đăng ký doanh nghiệp
Trong 10 ngày đầu thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014, cả nước có 2.909 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 16.648 tỷ đồng.
Con số này khá ấn tượng nếu so với 10 ngày cuối tháng 6/2015 (tăng 58,18% về số doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 60,4% về vốn). So với cùng kỳ năm ngoái, số này cũng đã tăng 69,03% về số doanh nghiệp và tăng 56,61% về vốn. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 10 ngày đầu tháng 7 đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2014.
Phân tích số liệu trên, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp 10 ngày đầu thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 có dấu hiệu khả quan ở cả hai tiêu chí: số doanh nghiệp thành lập và số vốn đăng ký.
Không dễ để có được các dấu hiệu tích cực này. Trong báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh về 10 ngày đầu thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 cũng thừa nhận, có không ít người dân, doanh nghiệp và ngay cả một số cán bộ đăng ký kinh doanh ở địa phương vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng với các quy định mới, cho dù đã có sự chuẩn bị từ trước.
“Từ ngày 26/6/2015, để đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, trong thời gian nghị định và thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp chưa được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn 4211/BKHĐT-đăng ký kinh doanh hướng dẫn áp dụng quy định về đăng ký doanh nghiệp kể từ ngày 01/7/2015. Công văn này được xây dựng trên cơ sở các quy định mới tại Luật Doanh nghiệp 2014 như đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi; tạm ngừng kinh doanh; thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp… với các mẫu biểu kèm theo. Toàn bộ các nội dung hướng dẫn và biểu mẫu đi kèm đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để mọi tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu, thực hiện”, bà Minh cho biết.
Không dừng lại ở hướng dẫn này, trong báo cáo tổng hợp 10 ngày thực thi Luật Doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, hàng ngày đã tổng hợp các vấn đề vướng mắc trong qua trình thực hiện, phân loại và có phương án hướng dẫn kịp thời dưới mọi hình thức phù hợp, như công văn hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời qua thư điện tử, trao đổi qua điện thoại, cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn.
Đặc biệt, song song với công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý, Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được nâng cấp đồng bộ lên phiên bản 2.0 từ ngày 1/7/2015, cho phép cập nhật tất cả các quy trình tác nghiệp theo quy định mới… Dữ liệu của khoảng 17.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động trên toàn quốc cũng đã được chuyển đổi thành công vào Hệ thống, sẵn sàng triển khai cấp đăng ký doanh nghiệp cho đối tượng này.
Tuy vậy, lấn cấn không phải đã hết. Hiện tại, trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ở phần bố cáo điện tử, số lượng mẫu con dấu của doanh nghiệp được đăng tải đến ngày 13/7/2016 mới dừng ở con số 689. So với gần 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, số lượng mẫu con dấu của doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng là quá thấp.
Phải nhắc lại, theo Khoản 2, Điều 44, Luật Doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Khó khăn nằm ở chỗ, theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014, sản xuất con dấu là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nếu Bộ Công an chưa có ý kiến hướng dẫn về việc sản xuất con dấu của doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng con dấu của doanh nghiệp đã được cơ quan công an cấp trước ngày 1/7/2015 thì việc triển khai thực hiện quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 về quyền tự quyết của doanh nghiệp đối với mẫu con dấu và cách thức khắc dấu chưa dễ thông suốt.
“Chúng tôi đã trình lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư công văn đề nghị Bộ Công an có ý kiến hướng dẫn sớm về vấn đề này”, bà Minh cho biết thêm.
Liên quan đến những thắc mắc về cách ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, bà Minh cho biết, hiện Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đã quy định rõ trách nhiệm của Phòng đăng ký kinh doanh là hướng dẫn doanh nghiệp ghi ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
“Công cụ hỗ trợ tra cứu, tìm hiểu ngành nghề và mã ngành theo Hệ thống kinh tế Việt Nam cũng đã có trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp cũng sẽ được tiếp tục chú trọng trong thời gian tới”, bà Minh nói.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt