Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới
Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ VHTT&DL và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 7/7 đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, phát triển du lịch, nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt mở ra nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức, đòi hỏi ngành du lịch phải thực sự đổi mới để đủ năng lực đón nhận những cơ hội và vượt lên thách thức đó.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92 ngày 8/12/2014 về một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Liên tiếp các phiên họp thường kỳ tháng 11/2014, tháng 3, 4, 5 và 6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89, 25, 33, 40, 51 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg trong đó đề cập những nội dung, biện pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch đã đề ra trong Nghị quyết số 92.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Năm 2015, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Vương Đình Huệ đưa ra những số liệu, tác động của du lịch đối với phát triển kinh tế. Theo đó, du lịch đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30 lần trong 24 năm qua (tính từ năm 1990), đạt 7,874 triệu lượt khách năm 2014. Khách du lịch nội địa tăng 35 lần so với năm 1990.
Tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2014 là 230.000 tỷ đồng, bằng 6% GDP; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trung bình 18,76%/năm. Doanh thu ngoại tệ từ du lịch chỉ đứng sau 4 ngành xuất khẩu hàng hoá là dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đều thống nhất rằng, hội thảo lần này cần đề xuất được các kiến nghị để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.
Trong đó tập trung làm rõ: Tái cơ cấu ngành du lịch trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; xây dựng khung thể chế hiện đại, nguyên tắc thị trường, hội nhập quốc tế và vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng; hoàn thiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đầu tư phát triển hạ tầng; liên kết, phối hợp trong phát triển du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm du lịch Việt Nam; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; vai trò quản lý Nhà nước…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại của du lịch Việt Nam như: Liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch (nhất là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ) liên kết ngành, vùng, liên vùng… còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. Tuy đã có nhiều cố gắng hình thành, bản thân liên kết văn hoá, thể thao-du lịch cũng chưa được như kỳ vọng.
Chất lượng sản phẩm, khai thác phát triển sản phẩm và điểm đến du lịch còn hạn chế. Sản phẩm còn thiếu tính “khác biệt” và “đẳng cấp”: Chủ lực, bản sắc dân tộc; thiếu đa dạng, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm và còn lúng túng.
Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, nhưng còn thiếu đồng bộ, chắp vá, kể cả những địa bàn trọng điểm; chưa có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch được công nhận theo các tiêu chí của Luật Du lịch; môi trường du lịch còn hạn chế..
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt