Thứ Sáu, 12/06/2015 7:44:00 (GMT+7)

Doanh nghiệp ngoại không ngại tăng giá điện

Các nhà đầu tư nước ngoài có thể chịu được mức tăng giá điện danh nghĩa hàng năm là 15%. Mối lo chính nằm ở sự sẵn sàng và ổn định của nguồn cung.

Doanh nghiệp ngoại không ngại tăng giá điện

Theo khảo sát của EuroCham GGSC, 90% doanh nghiệp FDI chi ít hơn 10% trong tổng chi phí cho điện

Đây là nhận xét rút ra trong Nghiên cứu “Ảnh hưởng của giá và nguồn cung năng lượng tại Việt Nam đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài” dưới sự hỗ trợ của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Ủy ban Tăng trưởng Xanh (EuroCham GGSC) và Viện Quốc tế về Phát triển bền vững (IISD) được công bố trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2015.

Nghiên cứu này được thực hiện thông qua phỏng vấn sâu với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và khảo sát 150 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu này, doanh nghiệp FDI không đầu tư vào Việt Nam chỉ vì giá năng lượng được ghi nhận ở mức thấp. Thậm chí, giá năng lượng được xem là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam, xếp sau các yếu tố chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ.

Giá điện được 72% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho điểm 5, với thang điểm từ 1 đến 10, về tầm quan trọng trong quyết định đầu tư.

Đáng quan tâm là phần lớn doanh nghiệp FDI không lo ngại về xu hướng giá năng lượng đang tăng. Trong nghiên cứu vừa được công bố, lý do được cho là các doanh nghiệp FDI tiêu tốn chi phí không đáng kể cho điện.

“Tới 90% doanh nghiệp FDI trong hầu hết các ngành chi ít hơn 10% trong tổng chi phí cho điện; 60% công ty có chi phí cho điện thấp hơn 5%. Đa số công ty tham gia khảo sát cho biết, sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện danh nghĩa hàng năm ở mức 15% hoặc hơn, trước khi cân nhắc lại các ý định đầu tư trong tương lai. Cũng có tới hơn 65% các công ty chấp nhận mức tăng giá điện 10% mỗi năm”, bản nghiên cứu viết.

Với kết quả nghiên cứu này, EuroCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên mạnh dạn hơn trong việc tăng giá năng lượng với các doanh nghiệp công nghiệp lớn, bởi giá năng lượng không phải là động cơ chính trong quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Dẫu vậy, nghiên cứu của EuroCham GGSC cho rằng, doanh nghiệp rất quan tâm tới sự bất cập về nguồn cung năng lượng, nhất là khía cạnh sẵn có và độ tin cậy.

Tới 65% các công ty cho biết, không thỏa mãn với hạ tầng cung cấp năng lượng. Thậm chí, 2/3 doanh nghiệp tiết lộ họ phải sử dụng hệ thống phát điện dự phòng của riêng mình.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng khuyến nghị, với sự kém hiệu quả như hiện tại trên thị trường năng lượng và những khó khăn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc phân phối các khoản đầu tư, khu vực tư nhân cần có vai trò quan trọng hơn trong đảm bảo nguồn cung ứng điện cho Việt Nam trong tương lai.

“Điều này yêu cầu mức giá điện cao hơn, khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân và môi trường pháp lý mới cho sự phát triển trong tương lai của năng lượng tái tạo. Chính phủ nên ưu tiên thực hiện hành động để đạt được 3 kết quả trên”, Nghiên cứu viết.

Thực tế, doanh nghiệp FDI không lo lắng về giá điện, thậm chí đa số chấp nhận mức tăng giá 10% mỗi năm. Bức xúc về nguồn cung năng lượng và độ tin cậy lại là vấn đề doanh nghiệp quan tâm hơn khi bàn tới chuyện giá điện.

Nghiên cứu Các giải pháp chiến lược để tăng cường hoạt động tài chính của các công ty điện lực thuộc EVN, được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố năm 2014 cũng cho thấy,  các nhà đầu tư đều thấy rõ hiện trạng của thị trường điện Việt Nam, đó là việc tăng giá điện chỉ được chấp thuận khi EVN đã ở trong tình trạng khó khăn về tài chính, thậm chí đã gánh chịu thiệt hại tài chính.

“Các nhà đầu tư đều biết thị trường điện với giá điện bán lẻ đang ở mức thấp hơn chi phí. Họ cũng biết là khó đàm phán được mức giá hợp lý cho dự án phát điện”, nghiên cứu của WB nhận xét.

Các phân tích được thực hiện bởi WB cũng cho hay, để thực hiện được mục tiêu huy động 53 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2020, điều các nhà đầu tư tư nhân cũng như các tổ chức tín dụng muốn nhìn thấy là việc đảm bảo khả năng tài chính của EVN nhờ tăng giá điện theo các quy định hiện nay cũng như hiệu quả hoạt động của các dự án trong lĩnh vực năng lượng.

“Các nghiên cứu gần đây đều có kết luận rằng, tăng giá điện tới mức phản ánh đúng chi phí sẽ không gây ra ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu cũng như những ngành không sản xuất các sản phẩm xuất khẩu với điều kiện được tiếp tục hưởng bù chéo, từ khách hàng kinh doanh vừa và nhỏ cho khách hàng công nghiệp lớn”, là nhận xét của WB.

 

Theo Thanh Hương - Báo Đầu tư