Thứ Ba, 09/06/2015 8:42:25 (GMT+7)

Mỹ – kỳ vọng là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam

Vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong tương lai không xa.

Mỹ – kỳ vọng là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam

Ford nằm trong số những tên tuổi lớn của Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ khá sớm. Ảnh: Đức Thanh

Dồn dập đầu tư vào Việt Nam

Thông tin được đưa ra cách đây ít ngày, Tập đoàn Intel (Mỹ) đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất bo mạch chủ và bộ vi xử lý từ cơ sở ở Kulim (Malaysia) sang Việt Nam và Trung Quốc, vì chi phí lao động ở Việt Nam và Trung Quốc rẻ hơn.

Như vậy, sau thông tin Intel chuyển hoạt động sản xuất từ Costa Rica về Việt Nam vào cuối năm ngoái, tập đoàn này đang có những bước đi tiếp theo để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam, biến nơi đây thành địa điểm sản xuất quan trọng của mình trên toàn cầu. Hiện dự án sản xuất và kiểm định chip của Intel tại Việt Nam đã giải ngân được phân nửa trong tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD và đang có những đóng góp tích cực cho kinh tế – xã hội Việt Nam.

Trên thực tế, Intel không thuộc thế hệ nhà đầu tư đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam. Intel chỉ chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006, nhưng được nhắc tới rất nhiều, bởi sự xuất hiện của tập đoàn này với quy mô vốn đầu tư 1 tỷ USD đã mở ra “thời của các đại gia công nghệ” tại Việt Nam.

Trước đó, kể từ sau khi Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, đặc biệt sau khi hai nước ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA), hàng loạt tên tuổi lớn của quốc gia này đã “đổ bộ” vào Việt Nam. Đó là Coca-Cola, PepsiCo, rồi IBM, Cargill, Microsoft… Sau này, còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, như Citigroup, Chevron, Ford, GE, AES, UPS… cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam.

Cả Coca-Cola và PepsiCo đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam từ những năm 1994 – 1995 và nhanh chóng “làm mưa, làm gió” trên thị trường đồ uống Việt Nam. Năm 2010, PepsiCo đã tuyên bố tiếp tục đầu tư vào Việt Nam 250 triệu USD cho 3 năm tiếp theo. Hai năm sau, PepsiCo mua lại Nhà máy SanMiguel Đồng Nai, đồng thời chính thức khánh thành Nhà máy PepsiCo có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Bắc Ninh, với vốn đầu tư 70 triệu USD.

Trong khi đó, năm 2012, Coca-Cola đã tuyên bố kế hoạch đầu tư tiếp 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2015, nhằm nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 500 triệu USD. Và trung tuần tháng 6 năm ngoái, Coca-Cola đã khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Hà Nội và TP.HCM, mở đầu cho việc hiện thực hóa kế hoạch đầu tư này.

Trong khi đó, cũng nằm trong số những nhà đầu tư Mỹ đầu tiên tới Việt Nam, P&G hồi cuối tháng 3 năm nay cũng đã khởi công Dự án Nhà máy Gillette, vốn đầu tư 100 triệu USD, tại tỉnh Bình Dương. Theo ông Hatsunori Kiriyama, Chủ tịch P&G khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhà máy này là một phần trong kế hoạch dài hạn xây dựng cơ sở vật chất vững chắc cho việc cung cấp sản phẩm P&G tại thị trường Việt Nam và khu vực châu Á.

Như vậy, kể từ khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam (năm 1995) đến nay, P&G đã tăng vốn đầu tư gấp ba lần và hiện tổng vốn đầu tư của P&G tại Việt Nam đạt trên 300 triệu USD.

Còn Microsoft, sau việc mua lại bộ phận thiết bị của Nokia (Phần Lan) đã chính thức sở hữu nhà máy sản xuất điện thoại di động trị giá hơn 300 triệu USD tại Bắc Ninh. Năm ngoái, nhà máy này đã xuất khẩu được 2 tỷ USD và đang tiếp tục thực hiện kế hoạch dịch chuyển sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất của mình.

 

Kỳ vọng trở thành nhà

đầu tư số 1

Sự xuất hiện của các tên tuổi này đang đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 5/2015, Mỹ có tổng cộng 742 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 11 tỷ USD.

Cũng cần nhắc lại một điều rằng, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiện tại, Mỹ mới đứng ở vị trí thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Một trong những nguyên nhân hạn chế đầu tư của Mỹ vào Việt Nam được các công ty Mỹ nhắc tới là môi trường đầu tư tại Việt Nam chưa thật sự minh bạch và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Chia sẻ điều này, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, người đã tham gia đàm phán quá trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ cho biết, thời điểm đó, doanh nghiệp Mỹ rất chủ động tổ chức cuộc gặp với các bộ trưởng Bộ Thương mại và các cuộc họp thường có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn, như Boeing, GE, Pepsi, Coca-Cola, John Deere…

“John Deere từng tự hào là nếu vào Việt Nam, họ sẽ có mặt ở tất cả các tỉnh miền Nam. Hay Boeing muốn đẩy nhanh cơ hội từ thời đó, chứ không phải nhiều năm sau mới đạt hợp đồng đầu tiên. Thời điểm đó thật sự không còn nghi ngại gì, nhưng cách làm của mình còn trì trệ, chưa ‘đường thông, hè thoáng’, nên nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc”, ông Triết chia sẻ.

Dù môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thậm chí cả cơ cấu kinh tế Việt Nam đã nhiều cải thiện và đổi mới, song trong quan điểm của các nhà đầu tư Mỹ, hiện vẫn còn nhiều điểm cần cải cách. Chẳng hạn, theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), các thành viên của họ thường xuyên bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định đối với các dự án và chính sách quan trọng, hay các vấn đề liên quan đến sự minh bạch về chính sách, sự nhanh gọn của thủ tục hành chính…

Sau 20 năm, cơ hội được cho là đang mở ra cho Việt Nam, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong thời gian tới, cũng như việc Việt Nam đang tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khác, với cơ hội thị trường được mở rộng hơn. Sau các phiên đàm phán TPP, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may, đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việc hàng năm, đoàn doanh nghiệp Mỹ là thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, với toàn tên tuổi lớn, năm sau đông hơn năm trước, tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh càng chứng minh điều này.

Trong một chia sẻ mới đây với báo giới, ông Charles H. Rivkin, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách kinh tế và thương mại cho biết, trong các chuyến công du của mình, đến quốc gia nào ông cũng muốn gặp AmCham và ông đã gặp hơn 30 AmCham của các thành phố, nhưng chưa nơi nào ông thấy được sự hứng khởi như AmCham ở Hà Nội và TP.HCM.

“Họ nói đã đầu tư ở đây và mong muốn rót vốn vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Không chỉ nhằm chờ đón hiệp định TPP, sự háo hức này còn đến từ lợi thế lao động trẻ, tràn đầy năng lượng của Việt Nam, sự sôi động diễn ra hàng ngày trên đường phố Việt Nam. Có quá nhiều cơ hội đầu tư ở đây”, ông Charles H. Rivkin nói.

 

Theo Nguyên Đức - Báo Đầu tư