DN châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh ở Việt Nam
63% doanh nghiệp thuộc EuroCham nhận định tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam sẽ “ổn định và cải thiện”.
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) lần thứ 18 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện vào tháng 4/2015 tại Việt Nam cho thấy, mặc dù chỉ số này có giảm nhẹ từ 78 xuống còn 75 trong quý I/2015 nhưng kết quả tổng quan vẫn thể hiện nhận định tương đối tích cực đối với môi trường kinh doanh hiện tại và tương lai từ các doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát.
Cụ thể, 63% DN thuộc EuroCham nhận định tình hình kinh tế vĩ mô sẽ “ổn định và cải thiện”, tăng so với quý trước (59%). Tỷ lệ DN phản hồi “không thay đổi” tăng từ 20% cuối năm 2014 lên đến 25% trong quý I/2015. Sự suy giảm đáng chú ý là số lượng DN phản hồi “tiếp tục suy thoái” đã giảm từ 21% còn lại 12%.
Khảo sát BCI lần này cũng đề cập các câu hỏi liên quan đến những thay đổi của Luật DN và Luật Đầu tư tại Việt Nam nhằm tìm hiểu mức độ nắm bắt thông tin của các DN châu Âu về Luật mới và những phản hồi của họ về những thay đổi này.
Có 42% số DN cho biết họ nắm bắt được những thay đổi trong Luật mới, một nửa trong số này tin tưởng Luật mới sẽ đem lại lợi ích chung cho hoạt động kinh doanh, một nửa còn lại cho rằng Luật mới không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh.
29% số DN cho biết họ không rõ những thay đổi cụ thể trong Luật mới là gì hoặc cho rằng sự thay đổi đó không đem lại lợi ích. Trong khi đó, 21% số DN thì cho biết, họ không có thông tin gì về sự thay đổi và chỉ có 6% nhận định sự thay đổi này gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh.
Cũng theo kết quả khảo sát, số lượng DN chia sẻ dự định tăng số lượng nhân viên trong thời gian tới chiếm tỷ lệ 48%, trong khi 32% số DN cho biết sẽ giữ nguyên số lượng nhân viên so với mức hiện tại.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ từ EuroCham, Ủy ban tăng trưởng xanh (EuroCham GGSC) và Viện Quốc tế về phát triển bền vững (IISD) vừa hoàn thành một nghiên cứu đánh giá quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài đối với giá cả và nguồn cung năng lượng tại Việt Nam.
Theo bản đánh giá, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các DN nước ngoài không đầu tư vào Việt Nam chỉ vì giá năng lượng được ghi nhận ở mức thấp.
Thực tế, các DN xếp hạng giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam. Các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt