Thứ Ba, 02/06/2015 8:09:30 (GMT+7)

Sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam

Cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành, tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động, thâm nhập thị trường khu vực.

Sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam

Chi phí nhân công ở Việt Nam thấp, qua đó sẽ thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư sau khi AEC hình thành.

Phát biểu tại “Hội nghị đầu tư Invest ASEAN 2015 (Việt Nam) – Công xưởng mới của thế giới” vừa diễn ra tại TP.HCM, ông John Chong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng cho biết, trong tất cả những xu hướng thuận lợi tại ASEAN, điều quan trọng nhất là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong khu vực. Đối với nhiều doanh nghiệp châu Á, thị trường tiêu dùng ASEAN sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Năm 2012, ASEAN mới có 190 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, đến năm 2020, con số này dự kiến tăng lên 400 triệu người, chiếm hơn nửa dân số của khu vực.

Bên cạnh đó, tại các nước ASEAN, dân số trẻ chiếm đến 60%, nên sức mua rất lớn. Việc mua sắm trực tuyến sẽ gia tăng mạnh mẽ, chỉ riêng Việt Nam, dù tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh chỉ chiếm 20%, nhưng có đến 60% số người này dùng điện thoại để mua sắm, cao thứ hai tại châu Á.

Nắm bắt cơ hội đó, các doanh nghiệp Việt cần chủ động lên chiến lược hành động khả thi trong khu vực ASEAN.

Khi AEC hình thành, sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, bởi chi phí nhân công ở Việt Nam thấp.

Theo ông John Chong, Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố cơ bản của sự thịnh vượng, như chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với chi phí tại Trung Quốc, Thái Lan và Philippines, tầng lớp người tiêu dùng ngày càng gia tăng, môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, hơn 40% trong số trên 90 triệu dân của Việt Nam là dân số trẻ dưới 25 tuổi… Thực tế đó đang khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đặc biệt hấp dẫn trong khu vực.

Một điều quan trọng là, các doanh nghiệp lớn như Samsung (Hàn Quốc), Toyota (Nhật Bản), Ford (Mỹ) đã dần chuyển công xưởng sản xuất sang Việt Nam. Kéo theo đó là chuỗi doanh nghiệp cung ứng sẽ ồ ạt đến Việt Nam, tạo nên một trung tâm sản xuất công nghiệp chế tạo.

Ông Huỳnh Quang Hải, Tổng giám đốc CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam – Singapore cho biết, đã có nhiều công ty điện tử có mức đầu tư hàng trăm triệu USD, hàng tỷ USD đã vào Việt Nam vì chi phí nhân công thấp. Ba năm tới sẽ rất thuận lợi cho Việt Nam thu hút vốn nước ngoài, nhưng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt cũng rất lớn, nếu không cải tiến sản phẩm hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý do là, khi vào Việt Nam, các tập đoàn lớn cũng kéo theo các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cho sản phẩm của họ.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển từ gia tăng cơ học (vốn, lao động…) sang nâng cao năng suất của các yếu tố đầu vào.

Theo ông Vũ Minh Khương, GS. Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), vấn đề cốt yếu để gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm xuất khẩu là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việt Nam đang bỏ phí các tài năng khi dẫn đầu khu vực ASEAN về học sinh giỏi toán học và kỹ thuật.

Còn theo ông John Chong, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục, công nghệ cũng như hạ tầng (cứng và mềm). Bên cạnh đó, thị trường tài chính cũng phải nhanh chóng bắt kịp để không cản trở cơ hội vàng tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Về vấn đề gia tăng năng lực vốn cho các doanh nghiệp Việt thông qua thị trường tài chính, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 3 năm qua, vấn đề nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài luôn được tính đến. Ngoài ra, việc đưa vào sử dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết cũng đang được nghiên cứu, xem xét.

AEC mở ra nhiều cơ hội, song không ít chuyên gia cảnh báo, Việt Nam phải phát triển được sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, như máy móc, vận tải, hóa chất và điện tử, nếu không thị trường Việt Nam sẽ ngập hàng hóa từ các nước ASEAN.

Theo Linh Lan - Báo Đầu tư