Thứ Hai, 30/11/2020 21:00:01 (GMT+7)

Tọa đàm trực tuyến với các Đại diện xúc tiến đầu tư ở nước ngoài

Ngày 30/11/2020, tại Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến giữa Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trong Bộ với các Đại diện xúc tiến đầu tư ở nước ngoài dưới dự chủ trì của Thứ trưởng Trần Duy Đông.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tại Tọa đàm, báo cáo về hoạt động của các đại diện xúc tiến đầu tư năm 2020, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho biết, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công việc của các Đại diện xúc tiến đầu tư có phần phức tạp hơn, hoạt động theo hình thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp. Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19, đại diện xúc tiến đầu tư thực hiện tốt việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu cũng như thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào các dự án trọng điểm, các dự án khởi nghiệp sáng tạo, công nghệ cao để thúc đẩy mạnh nền kinh tế số, tận dụng được tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, đại diện xúc tiến đầu tư nghiên cứu, đánh giá tình hình xu thế dịch chuyển đầu tư thế giới trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; làm cầu nối cho các doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, tiếp cận tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu lớn như năng lượng, cơ sở hạ tầng, y tế, hàng không, tài chính… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan sở tại tổ chức các Hội nghị trực tuyến, trực tiếp để kết nối với các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ một số địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp địa bàn sở tại thực hiện các kế hoạch hợp tác đầu tư, kinh doanh…

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2021, các đại diện xúc tiến đầu tư cần bám sát chỉ đạo, kế hoạch đề ra trong việc triển khai công tác xúc tiến đầu tư tại địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Việt Nam chưa thể nối lại đường bay thương mại cũng như gỡ, bỏ các biện pháp cách ly hiện tại. Đồng thời, tiếp tục duy trì đầu mối trao đổi với những “đại bàng công nghệ lớn” vừa qua đã đầu tư vào Việt Nam để hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc kịp thời, thúc đẩy tiến độ đầu tư, sản xuất tại các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Cùng với đó, tập trung nghiên cứu các báo báo, tài liệu của nước sở tại để nắm bắt kịp thời xu thế, quy định cũng như định hướng của doanh nghiệp bản địa đầu tư ra nước ngoài nhằm có các kiến nghị, đề xuất phù hợp để tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Kiến nghị lãnh đạo cơ quan đại diện thúc đẩy một số hợp tác mới trong lĩnh vực kinh tế, phát huy tối đa vai trò, vị thế của cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Cơ quan đại diện. Đồng thời, tập trung truyền các thông điệp của Chính phủ Việt Nam tới Chính phủ địa bàn sở tại nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị…

Tại Tọa đàm, các Đại diện xúc tiến đầu tư đã thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của nước sở tại, các xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp và đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã có những trao đổi để hai bên có sự phối hợp ngày càng hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và báo cáo của các Đại diện xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại nước ngoài. Trong bối cảnh năm 2021, dịch Covid-19 được dự báo vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các Đại diện xúc tiến đầu tư của Bộ tiếp tục chủ động phát huy tinh thần, trách nhiệm, kết nối, phối hợp với các cơ quan trong Đại sứ quán, các đầu mối xúc tiến đầu tư, các cơ quan, doanh nghiệp của các nước sở tại để kịp thời cung cấp các thông tin chính xác về tình hình kinh tế – xã hội, các chính sách thu hút đầu tư, các xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp của nước sở tại để sớm có các điều chỉnh cơ chế, chính sách, hỗ trợ phù hợp.

Đồng thời, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho các đối tác, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kịp thời và trở thành quốc gia duy nhất của ASEAN có tăng trưởng dương, được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Bám sát theo các định hướng của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW, đặc biệt là định hướng của Việt Nam về đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, các dự án có sử dụng ít năng lượng, các dự án có hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy cho các doanh nghiệp trong nước, dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo./.

Nguồn: mpi.gov.vn