Thứ Sáu, 07/05/2021 20:50:02 (GMT+7)

Tạo động lực phát triển vùng Thủ đô qua tuyến vành đai 4

Với sự thống nhất cao, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT với Hà Nội và các các tỉnh, thành phố đã được ký kết để hoàn thành tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô trong giai đoạn tới.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT và TP. Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố về triển khai tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô. Ảnh: VGP/Gia Huy

Thỏa thuận được ký kết sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, mở ra không gian phát triển và tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực.

Chiều 6/5, tại hội nghị giữa Hà Nội với Bộ GTVT và các tỉnh liên quan triển khai kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tuyến đường vành đai 4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… đã đồng tình với sự cần thiết của dự án và thể hiện quyết tâm sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng ý với kiến nghị của Hà Nội là giao cho thành phố làm đầu mối, chủ trì tổ chức triển khai nghiên cứu và đầu tư toàn bộ tuyến đường theo hình thức hỗn hợp gồm đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để thuận lợi tiến hành dự án.

Bộ ủng hộ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hà Nội trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cũng như lập quy hoạch thành phố để tích hợp các nội dung liên quan đến lĩnh vực GTVT vào các đồ án quy hoạch này đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các đồ án quy hoạch. Bộ GTVT sẽ cử cán bộ cùng Hà Nội phối hợp trong các phần việc của dự án.

Ảnh: VGP/Gia Huy

Triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường vành đai 4

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, qua ý kiến của các đại biểu cho thấy hội nghị thống nhất một số nội dung chính như: Về quan điểm chung, tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường vành đai 4 (mặt cắt khoảng 120 m, trong đó dự kiến có 30 m là đường sắt quốc gia và 90 m là đường bộ với cao tốc đi trên cao) theo hình thức đầu tư hỗn hợp gồm đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo.

Tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết thành phần đường cao tốc đi trên cao của tuyến đường vành đai 4 vào Đồ án quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia vành đai phía Tây (có hướng đi song song với đường vành đai 4) theo hướng đi trên cao, trong phạm vi lộ giới khoảng B=120 m nghiên cứu vị trí tuyến đường sắt trong giải đất rộng khoảng 30 m (bên phía Tây đoạn vành đai 4 phía Tây/Hà Nội; một phần phía Đông đoạn vành đai 4 phía Đông/Hưng Yên) và cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia quy hoạch đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quy hoạch, các đại biểu thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay; đồng thời nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng Quốc lộ 18 (phía Bắc sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường vành đai 4.

Hà Nội với vai trò là trung tâm, hạt nhân của vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến. Trong đó các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn theo thực tiễn của từng địa phương. Tách công tác đền bù giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng (tương tự như dự án sân bay Long Thành).

Về lựa chọn nhà đầu tư, các bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận Hà Nội là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu cũng thống nhất đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ cấu nguồn vốn hợp lý, cơ chế tài chính đặc thù để đảm bảo tính khả thi của dự án, cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp để triển khai dự án, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Trung ương và các địa phương có dự án đi qua trong việc bố trí nguồn lực; đầu tư theo hình thức hỗn hợp gồm đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT cho toàn tuyến (bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao là 100% BOT). Kiến nghị với Trung ương hỗ trợ kinh phí hợp lý cho các địa phương để triển khai dự án, đặc biệt là để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường.

Tại hội nghị, các bên đã thống nhất ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT với các tỉnh, thành phố và dự thảo tờ trình của các tỉnh, thành phố đồng trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị thống nhất giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện tờ trình và ký đồng trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: chinhphu.vn