Thứ Tư, 16/09/2020 1:52:58 (GMT+7)

Không gì cản được bước chân của nhà đầu tư đến Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam. Họ nói rằng: “Không điều gì có thể ngăn cản chúng ta khám phá cơ hội ở Việt Nam”.

Nhiều nhà đầu tư cho biết sẽ xem xét mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của Acecook Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư cho biết sẽ xem xét mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của Acecook Việt Nam.

Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu

Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam, được tổ chức mới đây trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thu hút đầu tư tập trung vào khu vực ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered, lại lấy chủ đề là “Việt Nam – Ngôi sao đang lên”.

Cụm từ này thực chất đã được dùng từ 12-13 năm trước, khi Việt Nam – sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của khu vực. Giờ đây, cụm từ này tiếp tục được sử dụng, Việt Nam đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu trong quá trình định vị, tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

“Một cuộc khảo sát của chúng tôi đã cho thấy, 38% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ xem xét mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN”, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước Đông Nam Á và Nam Á đã nói như vậy.

Theo vị này, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

“Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã quan tâm thiết lập hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài một thời gian nữa, nhưng không điều gì có thể ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam”, ông Nirukt Sapru nói.

Không chỉ là kết quả cuộc khảo sát từ phía Standard Chartered, mà những số liệu được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cung cấp cũng cho ra những nhận định tương tự. Hơn 40% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết, đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Thậm chí, trong cuộc đối thoại cách đây 3 ngày (ngày 7/9) với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm nhiều đến Việt Nam, một địa điểm đầu tư hấp dẫn trong điều kiện “bình thường mới” hậu Covid-19.

Cũng theo Đại sứ Yamada Takio, sau đợt lựa chọn đầu tiên, với 30 doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để dịch chuyển đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có 15 doanh nghiệp đến Việt Nam, sẽ tiếp tục có các đợt tuyển chọn thứ hai, thứ ba.

Theo thông tin từ Nikkei, số lượng công ty quan tâm đến chương trình này đã gia tăng nhanh chóng. Ở vòng nộp hồ sơ thứ hai, kết thúc vào tháng 7, đã có tới 1.670 công ty “đâm đơn” nhận hỗ trợ. Con số này càng chứng minh một điều, làn sóng dịch chuyển đầu tư là có thật.

“Tuần nào, tôi cũng tiếp 3-4 doanh nghiệp đến hỏi về các thủ tục đầu tư tại Việt Nam. Họ rất quan tâm đến Việt Nam, chỉ là hiện nay, do Covid-19 nên chưa thể đến được thôi”, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã nói với Báo Đầu tư như vậy.

Còn ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội thì khẳng định rằng, doanh nghiệp Đài Loan đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc đầu tư và Việt Nam được lựa chọn là điểm đến hấp dẫn đầu tư. “Doanh nghiệp Đài Loan mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển”, ông Thạch Thụy Kỳ nói.

Nỗ lực đón sóng đầu tư

Một biên bản ghi nhớ (MOU) vừa được ký kết giữa Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và JETRO. Thỏa thuận đã được trao dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào hôm 7/9/2020, khẳng định nỗ lực to lớn của cả Cục Đầu tư nước ngoài lẫn JETRO trong thực hiện các biện pháp để xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

[notification type=”alert-success” close=”false” ]Trong chiến lược phát triển của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến khích và coi đầu tư nước ngoài là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước, nhưng cũng đặt ra các tiêu chí để ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có chất lượng. Nếu nhà đầu tư đạt được các tiêu chí này, thì chúng tôi sẽ dành ưu đãi cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng[/notification]

Một trong những nội dung quan trọng của MOU này chính là sẽ phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ “đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu” mà JETRO đảm nhiệm với vai trò là đầu mối thực hiện.

Bên cạnh nỗ lực mới này, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, Việt Nam đã làm rất nhiều việc để chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển theo nguyên tắc cùng thắng (win-win).

Đó là rà soát quỹ đất, mặt bằng, nhà xưởng và các hạ tầng thiết yếu cần thiết khác phục vụ sản xuất, đẩy nhanh quá trình đào tạo nhân lực có chất lượng, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và làm việc, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, có chất lượng…

Và đặc biệt là, thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới, cũng như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia…

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư cho rằng, để đón được làn sóng đầu tư đang dịch chuyển, Việt Nam cần phải tiếp tục có những cải cách quan trọng.

Chẳng hạn, theo ông Soren Bech, Tổng giám đốc RB Health Vietnam, Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đón bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. “Nếu muốn định hướng sang khu vực sản xuất, chế tạo, thì chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng nhất”, ông Soren Bech nói.

Trong khi đó, ông C.K.Tong, Tổng giám đốc BW Industrial Development nhấn mạnh việc phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, logistics.

Một đề xuất quan trọng khác đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, đó là hiện nay, các doanh nghiệp Nhật thường đầu tư theo chuỗi. Vì thế, muốn thu hút đầu tư thì phải thu hút cả chuỗi sản xuất chứ không chỉ thu hút các doanh nghiệp nòng cốt.

“Để làm được điều đó, Chính phủ Việt Nam cần xem xét cơ chế ưu đãi không chỉ cho doanh nghiệp nòng cốt, mà là cho cả chuỗi. Như vậy thì việc đầu tư của các doanh nghiệp nòng cốt Nhật Bản sang Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng hơn”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã đề đạt điều này với Chính phủ Việt Nam.

Nguồn: Báo Đầu tư