Thứ Hai, 08/08/2022 14:22:19 (GMT+7)

Cách thức đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Cách thức đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Nhằm giới thiệu các giải pháp, công cụ, đồng thời thông tin về các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho DNNVV trong thời gian tới. Các DNNVV đã có cơ hội trao đổi, chia sẻ, thảo luận về nhu cầu và tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số và tiếp cận tài chính thông qua tư vấn, kết nối trực tiếp với các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, các công ty tài chính, quỹ tín dụng và ngân hàng thương mại.

Các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ về chuyển đổi số và tiếp cận tài chính có thể đăng ký trực tiếp trên các nền tảng digital.business.gov.vna2f.business.gov.vn./.

Doanh nghiệp thực hiện đánh giá nhanh về mức độ sẵn sàng cho CĐS qua một bộ khung đánh giá năng lực. Doanh nghiệp cần có các đánh giá và khảo sát sâu hơn để xác định lộ trình CĐS phù hợp. Khung đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số cho phép người tham gia nhận biết được mức độ trưởng thành trong chuyển đổi số trên bảy lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: Định hướng chiến lược; Trải nghiệm khách hàng; Chuỗi cung ứng; Chuỗi CNTT & quản trị dữ liệu; Quản lý rủi ro& an ninh mạng; Nghiệp vụ quản lý TCKT, kế hoạch, pháp lý và nhân sự; Con người & tổ chức.

Đối tượng tham gia: Chiến lược CĐS cần được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức và nắm bắt để đưa ra các quyết định chiến lược cũng như kinh doanh. Ngoài ra, các lãnh đạo sẽ có tầm nhìn bao quát nhất về các hoạt động kinh doanh sản xuất ở cấp độ toàn doanh nghiệp và cả ở cấp độ bộ phận họ quản lý. Do đó, đối tượng được khuyến nghị thực hiện là các lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng và mức độ chính xác về hiện trạng của doanh nghiệp.

Thang đo xếp hạng: Dựa vào phản hồi của người tham gia khảo sát, câu trả lời cho mỗi lĩnh vực trọng tâm được chuyển sang thang điểm từ 1 đến 5 tương ứng với các mức độ trưởng thành số hóa.

  • Cơ bản: Doanh nghiệp chưa hình thành mục tiêu hiện tại cho chuyển đổi số nhưng đã có thể thực hiện các giải pháp CĐS cơ bản để số hóa một vài quy trình nội bộ hoặc một vài sản phẩm và dịch vụ.
  • Đang phát triển: Mục tiêu số hóa đã được xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, một số vị trí quản lý cần thiết để thực hiện các vai trò CĐS cũng được thiết lập. Công tác CĐS được giám sát bởi một chương trình chuyển đổi riêng biệt.
  • Phát triển: Số hóa là một phần không thể thiếu trong chiến lược của doanh nghiệp. Các vị trí quản lý trong danh mục chuyển đổi số đã có sẵn, nhưng việc đo lường và quản lý công tác thực hiện vẫn còn nhiều thách thức, chưa thật sự hiệu quả.
  • Nâng cao: Chuyển đổi số được tích hợp trong toàn bộ hoạt động của tổ chức – nhưng việc mở rộng quy mô và triển khai thành công ở nhiều bộ phận vẫn còn gặp khó khăn.
  • Dẫn đầu: Doanh nghiệp là nhà tiên phong trong lĩnh vực đổi mới, dẫn đầu trong mảng chuyển đổi số của ngành và là đại diện của “being digital”. Doanh nghiệp không ngừng đổi mới và phát triển thông qua việc nghiên cứu các mô hình kinh doanh và quản trị mới.

Để tham gia khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp cần thực hiện 6 bước sau:

Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại liên kết http://digital.business.gov.vn/

Bước 2: Click vào nút bên dưới, để bắt đầu thực hiện khảo sát hoặc truy cập vào liên kết http://digital.business.gov.vn/dangkydn

Bước 3: Nhập các thông tin vào Mẫu đăng ký tham gia khảo sát.

Bước 4: Đọc kỹ nội dung các câu hỏi và tích chọn thang đánh giá tương ứng lần lượt với từng câu hỏi trong Phiếu khảo sát.

Bước 5: Click vào nút

Bước 6: Nhận kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số chỉ là một công cụ bước đầu phục vụ cho việc nhận biết và lượng hóa điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội chuyển đổi số của doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ DNNVV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho DNNVV thông qua việc tài liệu hoá và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc. Đây sẽ là những hoạt động hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa nhằm góp phần giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được xu hướng phát triển và chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng, bền bỉ vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển vững mạnh./.

Lê Thị Thúy Linh