Kinh tế – Xã hội
KINH TẾ
Tốc độ tăng trưởng GRDP (2020): 2,79%
Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP 2020): 123,575 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3 tỷ USD
GRDP bình quân đầu người: 105,5 triệu đồng/người/năm (năm 2020)
Cơ cấu kinh tế (năm 2020):
Công nghiệp – Xây dựng: 45,52%
Thương mại – Dịch vụ: 22,60%
Nông lâm thuỷ sản: 6,11%
Thuế sản phẩm chiếm 25,77%
Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI): tính đến hết tháng 5/2021
Số lượng dự án: 808 dự án
Tổng số vốn đầu tư đăng ký: 97.920,2 tỷ VNĐ
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): tính đến hết 5/2021
Số lượng dự án: 415 dự án
Tổng vốn đầu tư đăng ký: 6,2 tỷ USD
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Năm 2020: Điểm 63,84; xếp hạng 29/63; nhóm điều hành Khá.
XÃ HỘI
Lực lượng lao động:
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh năm 2020 là 634.474 người. Trong đó nam giới 49,64%, nữ giới 50,36%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 74,2%.
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc (tại thời điểm 1/7) trong nền kinh tế đã qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định của Hệ thống giáo dục Quốc dân) năm 2020 đạt 28,6%.
Giáo dục và đào tạo:
Giáo dục phổ thông: Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 323 trường phổ thông, 10.207 giáo viên, 237.080 học sinh.
Giáo dục nghề nghiệp: Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 07 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 06 cơ sở khác. Tổng số giáo viên, giảng viên của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 1.966 người;
Quy mô đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 44.418 người; trong đó, số học sinh, sinh viên học các trường cao đẳng và trung cấp là 32.234 người, chiếm 72,57%; học sinh, sinh viên nữ có 7.831 người, bằng 17,63%. Trong năm 2020, có 23.189 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, bao gồm 14.231 người tốt nghiệp các trường cao đẳng và 8.958 người tốt nghiệp ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở dạy nghề khác.
Cao đẳng và Đại học: Năm học 2020-2021, trên địa bàn tỉnh có 03 trường đại học với tổng số giảng viên là 906 người. Tổng số sinh viên đang theo học là 22.897 người. Năm 2020, có 4.251 sinh viên tốt nghiệp.
Y tế:
Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 478 cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, có 164 cơ sở thuộc Nhà nước quản lý (chiếm 34,31%) và 314 cơ sở thuộc tư nhân quản lý.
Số bác sỹ trên 1 vạn dân: 13,8 người; Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 40 giường.
Văn hóa, Du lịch:
Vĩnh Phúc là địa phương có nền văn hóa lâu đời, là cái nôi của người Việt cổ với di trỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Trên địa bàn tỉnh có 8 dân tộc chính, đông nhất là dân tộc Kinh chiếm trên 95%, các dân tộc thiểu số như dân tộc Sán Dìu, dân tộc Sán Chay, dân tộc Tày, dân tộc Nùng; dân tộc Dao và một số dân tộc thiểu số khác chiếm gần 5%.
Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Năm 2015, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên (thuộc huyện Tam Đảo) và di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn (thuộc huyện Sông Lô) được Chính phủ Việt Nam công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Các khu du lịch như: Khu nghỉ mát Tam Đảo với độ cao trung bình gần 1.000m so với mực nước biển (đỉnh cao nhất 1.542m), bao bọc bởi rừng nguyên sinh có rất nhiều động thực vật quý hiếm; 02 sân Golf 18 lỗ ở Vĩnh Yên, Tam Đảo và 01 sân Golf 36 lỗ ở Đại Lải đã từng được Hội Golf Việt Nam tổ chức thi đấu nhiều giải Golf quốc gia và quốc tế; Du lịch sinh thái ở các khu vực hồ, đầm lớn như Vân Trục, Xạ Hương, Đại Lải, Đầm Vạc; Trung tâm văn hóa Lễ hội Tây Thiên; Các làng nghề truyền thống: Làng gốm Hương Canh, làng rèn Lý Nhân, làng mộc Bích Chu, làng thương mại Thổ Tang.
MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2025
Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Về kinh tế
– Tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 – 9,0%/năm, trong đó ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,5 – 2,0%/năm; ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 11,5 – 12%/năm và ngành dịch vụ tăng 8 – 8,5%/năm.
– Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông – lâm nghiệp – thuỷ sản: 6,5%; Công nghiệp – xây dựng: 62%; Dịch vụ: 32,5%.
– GRDP bình quân đầu người: 135 triệu đồng, tương đương khoảng 5.800 USD.
– Vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP hàng năm: 35%.
– Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GRDP hàng năm: 27%.
– Thu hút mới: 1,2 tỷ USD vốn đăng ký từ các dự án FDI và 15 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký từ các dự án DDI.
Về xã hội
– Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 82%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 40%.
– Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 1% theo chuẩn tiếp cận đa chiều.
– Huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo, 95,5% trẻ đi học lớp 1 đúng tuổi.
– Phân luồng học sinh sau THCS: 65-70% vào học THPT; 30-35% vào học BTVH và học nghề.