Kết cấu hạ tầng

Mạng lưới giao thông, vận tải 

Vĩnh Phúc có mạng lưới giao thông khá phát triển với 3 loại: giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh phân bố khá hợp lý, mật độ đường giao thông cao. Nhiều tuyến được đầu tư đã mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế – xã hội.

Giao thông đường bộ

Các tuyến giao thông đường bộ gồm:  Quốc lộ (Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, QL2, QL2B, QL2C, QL23); đường tỉnh; đường chính các khu công nghiệp và vành đai; đường huyện và xã.

Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 245km (đoạn qua Vĩnh Phúc dài 40km) nối với đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu của Trung Quốc và là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng.

Các tuyến xe bus công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tới tất cả các huyện, thành, thị và các khu công nghiệp trong tỉnh.

Giao thông đường sắt

Trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua 5/9 đơn vị hành chính (bao gồm thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên, các huyện Tam Dương và Vĩnh Tường) với 35 km và 5 nhà ga, trong đó, có 2 ga chính là Phúc Yên và Vĩnh Yên. Đây là tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội qua Vĩnh Phúc tới các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và với Trung Quốc.

Giao thông đường thủy

Tỉnh có hai tuyến sông chính cấp II do Trung ương quản lý là sông Hồng (41km) và sông Lô (34km). Hai sông này chỉ thông được các phương tiện vận tải có trọng tải không quá 500 tấn. Các tuyến sông địa phương là sông Cà Lồ (27km), sông Phó Đáy (32km) và sông Phan (93km),… phục vụ các phương tiện vận tải có sức chở không quá 50 tấn.

Hệ thống cảng hiện có 2 cảng là Vĩnh Thịnh trên sông Hồng, cảng Như Thụy trên Sông Lô.

Ngoài 03 loại hình giao thông trên tỉnh Vĩnh Phúc còn gần cảng hàng không quốc tế, cách sân bay Nội Bài 25km.

Mạng lưới cấp điện 

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh nằm trong vùng thuận lợi về cung cấp điện từ lưới điện quốc gia, với việc hệ thống truyền tải và phân phối được quy hoạch và đầu tư đồng bộ đảm bảo thuận lợi, cung cấp đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Các nguồn cấp điện năng trên địa bàn tỉnh gồm:

Các trạm biến áp 220kV, 110kA và các đường dây 110kV vận hành tốt, ổn định.

Các trạm biến áp 220KV: Trạm biến áp 220kV Bá Thiện công suất 2x250MVA; Trạm biến áp 220kV Vĩnh Yên công suất (125+250)MVA.

Các trạm biến áp 110 KV gồm có:

Vùng I (gồm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và huyện Bình Xuyên): Trạm Vĩnh Yên 110/35/22kV- 2x63MVA; Trạm Phúc Yên 110/35/22kV- 2x63MVA; Trạm Thiện Kế 110/22kV- 63MVA; Trạm Bá Thiện 110/22kV- 63MVA; Trạm Hội Hợp 110/22kV- 63MVA; Trạm Vĩnh Yên 2: 110/35/22kV- 63MVA.

Vùng II (gồm huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc): Trạm Vĩnh Tường 110/35/22kV- (40+63)MVA; Trạm Yên Lạc 110/35/22kV- 40MVA.

Vùng III (Bao gồm huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô): Trạm Lập Thạch 110/35/22kV-  2x25MVA; Trạm Tam Dương 110/35/22kV- 63MVA; Trạm Sông Lô 110/22-40MVA.

Mỗi Khu công nghiệp có trạm biến áp 22kV/0,4kV. Các doanh nghiệp sử dụng điện theo nhu cầu. Giá điện theo quy định của Nhà nước.

Mạng lưới cấp thoát nước, xử lý nước thải và rác thải

Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về nguồn nước. Nguồn nước mặt, nước ngầm tự nhiên dồi dào đủ để cung cấp cho hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi trên địa bàn.

Nguồn cấp nước:

Theo quy hoạch cấp nước đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh là 310 m3/ngày vào năm 2020. Các nguồn nước sử dụng gồm nước ngầm và nước mặt từ sông Lô, sông Hồng và sông Phó Đáy.

Thoát nước:

– Thoát nước mưa:

Căn cứ vào địa hình địa mạo và hiện trạng công trình tiêu trên toàn tỉnh, toàn bộ địa giới của tỉnh Vĩnh Phúc phân chia thành 3 vùng tiêu lớn là: vùng tiêu sông Lô – Phó Đáy hướng tiêu ra sông Lô và sông Phó Đáy; vùng tiêu sông Phan – Cà Lồ hướng tiêu ra sông Phan, sông Cà Lồ; vùng tiêu bãi Vĩnh Tường – Yên Lạc nằm ngoài đê sông Hồng hướng tiêu ra sông Hồng.

Khu vực đô thị Vĩnh Phúc thuộc hoàn toàn trong vùng tiêu sông Phan – Cà Lồ có diện tích khoảng 732,80 km2, được tiêu ra sông Phan, sông Cà Lồ ra sông Cầu tại Phúc Lộc Phương.

– Thoát nước thải:

Nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo hình thức tập trung đối với khu vực đô thị và khu vực đông dân cư, đối với khu vực nông thôn và xa đô thị thu gom, xử lý theo hình thức phân tán.

Các khu công nghiệp có các trạm xử lý nước thải riêng, chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A sau đó xả ra nguồn tiếp nhận.

Nước thải bệnh viện được xử lý loại bỏ các tạp chất độc hại, gây ô nhiễm trước khi xả ra hệ thống cống chung của khu vực.

Xử lý rác thải:

– Đối với rác thải sinh hoạt:

Tính đến nay, tỷ lệ chất thải sinh hoạt khu vực thành thị được xử lý là 65%, nông thôn là 52%. Tỉnh đã triển khai xây dựng các trạm xử lý rác thải thành phân vi sinh tại thị trấn Thanh Lãng, xã Đại Đồng, xã Đồng Cương, thị trấn Lập Thạch. Đến nay cơ bản các công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Công suất xử lý của mỗi trạm là 10 tấn rác hữu cơ/tháng.

Tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các dự án xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

– Đối với xử lý rác thải công nghiệp, rác thải rắn:

Việc xử lý rác thải công nghiệp là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Một lượng lớn chất thải này được tái sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành khác, một phần được xử lý đơn giản bằng phương pháp thiêu đốt hoặc chôn.

Hiện nay tỉnh đang tìm địa điểm và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải.

Mạng lưới bưu chính, viễn thông

Mạng phục vụ bưu chính hiện nay đã được phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, đáp ứng các dịch vụ bưu chính.

Mạng viễn thông phát triển mạnh với các công nghệ hiện đại tương đương các nước trong khu vực. Tất cả các xã đều có truyền dẫn quang. Có 3 tuyến cáp quang liên tỉnh của VNPT, Viettel và EVN Telecom hướng Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì.

Trong tỉnh có đầy đủ các mạng điện thoại di động hiện có trong nước như: Mobifone, Vinaphone, Viettel Mobile, …. Tất cả các huyện trong tỉnh đều có trạm phát sóng. Mạng Internet và VoIP ở Vĩnh Phúc sử dụng đường truyền cáp quang, băng thông rộng, tốc độ cao.